ĐẠO NGHỀ

Mình bắt đầu suy nghĩ về khái niệm này khi đọc sách Đúng việc của thầy Giản Tư Trung. Lúc đó bật ra 1 suy nghĩ rằng: “Ừ nhỉ? Mình đang làm nghề quản lý nhân sự thì liệu mình có cái đạo nghề của mình chưa, mình có phương châm làm nghề, có đạo đức nghề nghiệp của mình không?” Và vui mừng thay, mình thấy rằng mình chưa có. Mình giật mình và nhận ra sao cái chuyện quan trọng thế này mà mình đến giờ mới nghĩ tới và vui là may quá, ít ra mình đã nghĩ tới nó. Bởi nếu không nghĩ tới, mình e rằng trong tương lai, sẽ có lúc mình bỏ quên cái đạo mà đi vào con đường tà như biết bao nhiêu những con người, tưởng là đang hành nghề cao quý nhưng vi phạm mọi chuẩn mực nghề nghiệp của mình.

Nhưng câu hỏi này không dễ dàng. Nghĩ mãi mà vẫn chưa thông, mà nhiều khi còn sợ là đưa ra cái nguyên tắc ấy lại sai, lại chưa chuẩn. Mãi mới quyết chí là dứt điểm và viết ra đây, đặng sau này, đọc lại thấy chưa đủ thì sửa thêm, và viết ra đây, đặng có cái mà đi hỏi, đi nói chuyện và học hỏi từ các bậc tiền bối hơn mình.

Cái sứ mệnh của nghề mình là gì nhỉ ?

Mình cho rằng đó là thông qua các hoạt động quản lý nhân sự, mình tạo điều kiện và hỗ trợ cho tổ chức đạt được mục tiêu của tổ chức với hiệu quả sử dụng nguồn lực con người hiệu quả nhất.

Vậy thế nào là hiệu quả nhất ?

Mình nghĩ đó là tập trung vào việc nuôi con vịt thật tốt để đẻ ra nhiều trứng vàng nhất. Đó là nguồn nhân lực có năng lực tốt, thái độ tốt trong một cấu trúc phù hợp, chia sẻ chung các giá trị văn hóa giúp đem lại thành tích cao trong một chi phí hiệu quả.

Người làm Nhân sự thường được xem là đứng giữa một bên là tổ chức, một bên là cá nhân người lao động nhưng mình nghĩ rằng đây là một mối tương giao và không thể tách ra 2 bên để đẩy người làm Nhân sự vào thế ở giữa được. Với mình, người làm Nhân sự đầu tiên phải nghĩ cho tổ chức mà mình làm việc trước. Bởi đó là cái nghĩ cho bức tranh đại cục, tổ chức vững mạnh và phát triển là cách đem lại giá trị cao nhất cho từng thành viên trong tổ chức.

Một câu hỏi nữa nảy ra trong đầu mình là chuyện gì nếu đó là một công ty bóc lột? Ah ha. Bởi mình đang sống trong 1 xã hội mà quan điểm làm giàu và làm chủ thường đi kèm với cái ác và bóc lột. Mà thực tế thì đúng là có quá chừng công ty như vậy thật. Và mình quyết rằng mình sẽ không làm cho các công ty đó. Mình có quyền làm chủ nghề nghiệp và đi theo đạo nghề của mình mà, cũng bởi ở những công ty đó, các ông chủ sẽ không thấy hoặc hiểu được bài toán hiệu quả trong công tác nhân sự của mình.

Cái nguyên tắc nghề nghiệp của mình là gì nhỉ ?

Quan tâm đến con người

Mình để cái này lên hàng đầu bởi điều này với mình là quá khó. Thành thật đấy. Mình đã từng là một bạn sinh viên như bao bạn khác khi đến nói chuyện với mình: “Em thích làm Nhân sự vì em thích làm việc với con người”. Hồi xưa mình cũng nói câu đó nhưng đến giờ, gặp lại bạn nào thì mình đều nói: “Nếu chỉ thích làm việc với con người, em khoan hãy làm Nhân sự.”

Làm Nhân sự, nhiệm vụ của mình là hỗ trợ và dẫn dắt nhân viên đạt được thành tích tốt hơn mỗi ngày. Và với nhiệm vụ này, đừng nghĩ rằng bạn sẽ luôn gặp người tốt và dễ thương với bạn. Mình sẽ gặp con người lúc vui cũng như lúc họ buồn, giận dữ, mình đem lại niềm vui cho họ nhưng cũng có lúc phải đấu trí với họ vì lợi ích của tổ chức,… Có lúc, mình mệt mỏi với con người nhiều lắm.

Nhưng đã làm Nhân sự, mình không thể không làm việc với họ. Một người chị trong nghề đã nói với mình rằng: Làm cái nghề này, em phải làm việc với con người, làm việc với cảm xúc. Em phải chấp nhận mọi loại người và mọi loại cảm xúc.” Một chị CEO cũng đã từng chia sẻ với mình: “Chị tuyển người làm Nhân sự, chị quan tâm đầu tiên là người đó phải biết yêu thương nhân viên của chị.”

Vậy làm sao để quan tâm và yêu thương được mọi kiểu người, mình nào phải thần thánh đâu. Mình nghĩ, hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe và chấp nhận. Đối thoại với nhân viên là việc quan trọng hàng đầu của người làm nhân sự. Mình còn nhớ lúc mình gặp một anh nhân viên bị sếp phàn nàn là thái độ làm việc rất tệ, mình đã gặp và trao đổi mới biết anh ấy có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, con anh ấy bị vấn đề về trí tuệ và phải học thêm một lớp học đặc biệt khiến anh ấy không thể tăng ca sản xuất mà phải đi đưa đón con đi học. Bất cứ một hành vi bất thường đều có những lộ trình đưa đẩy đến điều đó. Người làm Nhân sự, hãy tìm hiểu điều phía sau để hiểu hơn người nhân viên, từ đó mà ra quyết định hoặc tư vấn cho quản lý được phù hợp.

Hướng đến giá trị cho tổ chức

Người làm Nhân sự mình hướng đến là người thực hiện được sứ mệnh ở trên mình đã đề cập, tạo ra giá trị thực cho tổ chức thông qua các hoạt động con người. Đó không phải là kiểu người đẻ ra những process, những quy trình, chính sách và follow nó 100% ngay cả khi mọi thứ đã thay đổi. Uyển chuyển trong mọi chuyện miễn sao cái bất biến là tạo ra các giá trị thực cho tổ chức của mình. Người làm Nhân sự phải hiểu được tổ chức của mình, mục tiêu của nó ra sao, hướng đi của nó như thế nào, nó đang tốt điểm nào, gặp khó ở đâu, nhất là về nguồn lực con người. Phải hiểu hậu cảnh đó thì các giải pháp Nhân sự đề xuất mới được sự chấp thuận của cấp Lãnh đạo tổ chức, và cũng nhờ hiểu hậu cảnh đó, tính hiệu quả của giải pháp mới cao và tạo ra được giá trị thực cho tổ chức.

Mình đã từng là một con người rất chuộng các best practice. Mình đã có may mắn được bắt đầu sự nghiệp từ những công ty lớn rất đề cao yếu tố nhân sự và đã biết rất nhiều cách thức triển khai hoạt động nhân sự rất hay. Ấy vậy nhưng liệu những cách thức đó có thể copy paste cho nhiều tổ chức khác nhau. Câu trả lời là không thể. Mình đã thử và đã thất bại. Bởi lãnh đạo sẽ nói một câu là “Em ơi, anh thấy nó hay lắm mà chưa phải lúc.” Và cái lúc đó là lúc nào thì đố ai biết được. Lúc đó sẽ đến khi vấn đề và nhu cầu của tổ chức đến. Người làm nhân sự có một rổ best practice, xin hãy giữ đó, hãy quay lại hiểu tổ chức, thấy tổ chức có bệnh gì thì xem có tool nào phù hợp lấy ra, rồi chưa hết, cũng vì hiểu tổ chức mà hãy điều chỉnh cái tool của mình cho phù hợp trước khi xài. Khi đó thì, lãnh đạo sẽ nói “Em ơi, sao mấy cái em làm anh thấy nó không có hàn lâm, Chuyên nghiệp gì mà làm cái nào thì được chấp nhận và giải quyết được vấn đề cái đó.” Thích nhờ.

Công bằng & liêm chính

Mình nghĩ không phải chỉ nghề Nhân sự, nghề nào cũng cần yếu tố này. Người làm Nhân sự cần nó hơn bởi đa phần họ ở vị thế đại diện cho tổ chức đối với nhân viên. Thử nghĩ, 1 chính sách được phòng Nhân sự đưa ra, nhưng có 1 hay vài bạn vì lý do gì đó được miễn nhiễm với chính sách này. Liệu đa phần nhân viên còn tin vào chính sách nữa hay không? Còn tin tưởng vào tổ chức nữa không? Giữ cái tâm công bằng và liêm chính là cách giúp Nhân sự gia tăng được niềm tin và bôi trơn cho các hoạt động của Nhân sự được tổ chức đón nhận. Hãy làm gương cho các chính sách của mình.

Thêm nữa, yếu tố chính trị luôn xoay quanh phòng Nhân sự bởi bản chất của việc ra các chính sách liên quan đến con người. Mình làm Nhân sự, mình cũng phải biết chính trị nhưng phải khéo léo đứng ở giữa chứ không lệch về cán cân nào. Mình phải nhận biết được các xung đột lợi ích trong lĩnh vực của mình để phòng ngừa và hạn chế. Nếu không, sẽ có ngày, sếp của bạn sẽ nói rằng “Sao anh thấy em hỗ trợ đề xuất tăng lương cho bộ phận này dễ hơn chỗ anh kia quá vậy?” Quả là 1 dấu hiệu không tốt chút nào

Phát triển bản thân và đội ngũ

Sự học là học cả đời và người làm Nhân sự cũng vậy. Môi trường làm việc thay đổi cùng với xã hội. Đơn giản là mình là 9X mà đến giờ gặp các bạn 95, 96 đã thấy khác hoắc rồi. Liệu các phương pháp nhân sự có còn phù hợp, các lý thuyết có còn hữu dụng với những thế hệ mới, với những đặc thù tổ chức riêng biệt. Người làm Nhân sự phải luôn trau dồi và phát triển chính mình, các đồng nghiệp và đội ngũ của mình. Hãy tham gia các tổ chức, hiệp hội như VNHR,… để tạo kết nối, học hỏi từ nhau. Hãy tham gia tìm học các khóa học, chứng chỉ Chuyên nghiệp để hướng mình đến tiêu chuẩn thế giới. Và hãy không ngừng làm, trải nghiệm, áp dụng những cái mới vào công việc của mình, và chia sẻ những gì mình biết cho những người xung quanh. Nghề Nhân sự ngày càng ngày đang trở nên quan trọng trong nền kinh tế, hãy cung cấp cho nhu cầu đó những con người thật sự giỏi nghề và có đạo nghề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét