Hiển thị các bài đăng có nhãn gocnhin. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn gocnhin. Hiển thị tất cả bài đăng

LÀM GƯƠNG

LÀM GƯƠNG


Có rất nhiều từ khoá trong bộ từ điển để trở thành một nhà quản trị thành công. Hôm trước mình có chia sẻ về từ khoá PHÙ HỢP, hôm nay mình xin được bàn về từ LÀM GƯƠNG vì đây là từ khoá cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn làm leader hoặc làm boss.
"Tại sao mọi người lại nghe và làm theo bạn?"
Đầu tiên là vì mục đích cao đẹp mà bạn đang hướng mọi người và bản thân tới. 
Sau đó là vì các bạn phù hợp với nhau. Để cùng nhau tạo thành một team tuyệt vời. Khuyết của người này có thể bù bằng điểm mạnh của người kia...
Và nếu bạn để ý một chút nữa. Thì người ta theo bạn là vì bạn biết làm gương. Mình lấy ví dụ: bạn có so sánh sao về 2 người sếp cùng ra nội quy đúng giờ cho công ty mình. Tuy nhiên, sau đó, một người sếp luôn luôn đi làm sớm - ít nhất là tới đúng giờ. Và người sếp kia thì đa số là đi muộn, lâu lâu có 1 buổi đi sớm lại la mắng nhân viên vì sao đi làm trễ...nếu bạn là nhân viên của 2 người sếp này. Bạn sẽ theo ai? Cống hiến cho ai?
Ví dụ khác về chuyện làm gương. Bạn luôn miệng nói nhân viên mình phải đối xử tốt với khách hàng, tôn trọng khách hàng. Nhưng giữa chốn đông người bạn la mắng nhân viên sa sả, thỉnh thoảng ko kiềm chế được bạn mắng luôn cả khách. Theo bạn, liệu nếu là nhân viên của vị sếp ấy, bạn có cống hiến và làm theo không?
Mình từ ngày "ngộ" ra được vấn đề mình thấy mình khác lắm. Bao nhiêu thói hư tật xấu tự nhiên biến mất. Vì mình biết rằng mình sẽ là tấm gương cho nhân viên noi theo. Nên nếu mình muốn xây dựng một nền móng văn hoá vững chắc cho doanh nghiệp thì bản thân mình - người CEO phải thay đổi đầu tiên.
Bạn có thấy hình bóng làm gương sáng của các nhà sáng lập & điều hành trong group mình không? Mình theo họ và phục vụ group là vì mình theo gương họ. Công việc họ bận gấp trăm lần mình tại sao họ không bỏ qua cái comment nào? Tại sao họ vẫn đều đặn viết bài? Tại sao họ luôn tuân thủ kỷ luật và nội quy? 
Mình và nhiều bạn trẻ ở đây chỉ là đang tập tành bước những bước đầu tiên để khởi nghiệp. Vậy mà chúng ta vẫn chưa tập được những thói quen tốt hay thay đổi thái độ để làm gương cho nhân viên thì làm sao doanh nghiệp mình phát triển được đây?
Mình tin rằng nếu bạn để ý một xíu những mối quan hệ xung quanh bạn đang có - bạn sẽ tìm thấy rất nhiều ví dụ về việc làm gương quan trọng như thế nào.
Mình chỉ mong sao sau khi đọc xong bài viết này. Bạn hãy trở thành một tấm gương sáng trong tất cả những việc bạn làm. Kể cả ngoài đời hoặc trong doanh nghiệp. Hãy luôn nhớ rằng mình sẽ là một CEO và lèo lái con thuyền doanh nghiệp mình. Vậy bạn muốn nó có hình thù như thế nào? Nó sẽ phản chiếu con người của bạn.
Thân ái
Trần Thị Lê Hiền

HÃY ĐỌC NÓ, KHI BẠN THẤY MÌNH CẦN CỐ GẮNG

HÃY ĐỌC NÓ, KHI BẠN THẤY MÌNH CẦN CỐ GẮNG
  1. Nghĩ những điều người khác không nghĩ, làm những điều người khác không làm, bạn sẽ có được những điều người khác không có.
  2. Một số người chỉ nằm mơ về sự thành công, trong khi số khác tỉnh dậy và làm việc chăm chỉ để đạt được nó.
  3. Khi bạn có tiền trong tay, chỉ có bạn quên mất bạn là ai. Nhưng khi không có đồng nào, cả thế giới sẽ quên mất bạn. Đời là vậy.
  4. Thay vì quên sạch những thất bại tồi tệ, thì bạn hãy nhớ thêm những chuyện tốt lành.
  5. Nếu bạn muốn biến một công việc dễ dàng trở nên cực kỳ khó khăn, bạn chỉ cần tiếp tục trì hoãn việc đó.
  6. Cuộc sống giống như bạn chạy xe đạp, để giữ được thăng bằng bạn phải luôn di chuyển.

CHUYỆN CƯỜI THỜI TEM PHIẾU

Nhiều năm, các kho lương thực Hà Nội cạn kiệt, dòng người xếp hàng kín các cửa hàng mậu dịch. Gạo mốc trộn bo bo là điều không hiếm trong những ngày cả nước chạy ăn từng bữa.

Nhắc đến thời bao cấp, những thế hệ người Việt trải qua đều có nhiều chuyện bi, hài. 30 năm trôi qua, có người không muốn nhớ lại, cũng có người luôn nhắc nhở con cháu về sức chịu đựng, ý chí vượt khó đi lên.
Xếp hàng cả ngày
Những năm 80 của thế kỷ trước, tùy thuộc vào vị trí công việc, đặc thù nghề nghiệp mà cán bộ, công chức nhà nước cũng như người dân lao động được phát tem phiếu mua lương thực, thực phẩm với chế độ riêng.
Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn đặc biệt A1; phiếu A dành cho bộ trưởng; thứ trưởng phiếu B; trưởng các cục, vụ, viện được hưởng phiếu C và có các cửa hàng phục vụ riêng tại phố Tông Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ (Hà Nội)... Lúc bấy giờ dân gian có câu Tông Đản là của vua quan/ Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là của thương nhân/ Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.
chuyen-xep-hang-nuoi-lon-thoi-bao-cap
Cảnh xếp hàng mua rau thời bao cấp. Ảnh: John Ramsden.
"Tôi thật khâm phục Bộ Nội thương thời ấy nghĩ ra ma trận tem phiếu cho người dân, nào phiếu vải, phiếu đường, phiếu dầu, phiếu củi...", anh Chu Quảng Nhân (43 tuổi, ở Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhớ lại.
Thiếu niên Hà Nội thời bao cấp như anh Nhân ngoài đi học còn có nhiệm vụ đặt gạch ghi tên, xếp hàng giữ chỗ mua gạo, rau, thịt, cá cho bố mẹ. Tem phiếu, sổ gạo trở thành nguồn sống của mỗi gia đình, chẳng may bị móc trộm thì đói cả tháng. Mỗi lần mua hàng xong, mẹ anh Nhân lại bọc hai thứ ấy bằng mấy lượt nylon rồi cất kỹ trong buồng hoặc bỏ vào hòm khóa lại.
Anh Nhân hay đùa rằng lứa 7X lớn lên thời ấy là "thế hệ lùn đi vì gánh nước". Cậu bé Nhân hơn 10 tuổi sau giờ học là ba chân bốn cẳng chạy về lấy thùng sắt tây đi hứng nước sạch phân phối ở vòi công cộng đầu phố. "Thời ấy, xếp hàng lấy nước là cả một nghệ thuật, miệng thì cười toe toét nói chuyện với lũ bạn, chân thì đá cái thùng của mình lên trước để lấy cho nhanh", anh kể.
Ngày nào mất nước là hàng dãy thùng xếp ngay ngắn trên phố để "xí" chỗ mà không thấy người đâu, nhưng chỉ cần có nước là ngay lập tức đông như chợ vỡ. Ai để thùng mà không có mặt là bị chen ngang. Cảnh xếp thùng lấy nước có khi từ mờ sáng hôm trước đến nửa đêm hôm sau. Vòi nước công cộng đông nghịt người là nơi vo gạo, rửa rau của các bà, nơi tắm của cánh đàn ông và trẻ con.
Nhắc đến hai từ "bao cấp", ông Nguyễn Xuân Thành ở 57A Hàng Bồ (Hoàn Kiếm) rùng mình nhớ lại cảnh xếp hàng cả ngày, đến đi tắm, đi vệ sinh cũng phải xếp. Nhà ông 8 người, chen chúc ở căn phòng 9,6 m2. Cả ngõ 12 hộ dân chung một khu bếp, đến giờ thổi cơm là ồn ào như chợ. Nhà đun bằng dầu, nhà nấu bằng mùn cưa, người quạt, người thổi, khói bốc mù mịt, nhóm được bếp thì mặt cũng ám đầy muội than, ho sù sụ vì khói.
Hơn 100 nhân khẩu mà có 3 nhà vệ sinh công cộng. Sáng sớm mỗi người cầm tờ báo xếp thành hàng dài. Có người chờ lâu quá không chịu nổi, chạy lên nhà xong lúc sau thấy đi làm, còn giải quyết kiểu gì thì không biết.
chuyen-xep-hang-nuoi-lon-thoi-bao-cap-1
Cân lợn bán cho hợp tác xã. Ảnh: TTXVN.
Lo lợn ốm hơn lo chồng con
Đồng lương không đủ sống nên công chức, giáo viên ở thành phố rầm rộ nuôi lợn, nuôi gà như một cách cải thiện thu nhập. Nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn, nhà cao tầng tập thể cũng như nhà cấp bốn xập xệ. "Thủ trưởng lợn" được nuôi trong nhà tắm, nhà vệ sinh, được chăm bẵm cẩn thận, lợn ốm còn lo hơn chồng con ốm.
Phó giáo sư Văn Như Cương khi ấy là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Đi Liên Xô về, ông bảo vệ thành công luận án và trở thành phó tiến sĩ, nhận lương 74 đồng mỗi tháng. Vợ chồng ông đi dạy chật vật nuôi ba đứa con. Gạt đi sĩ diện của trí thức, ông cũng nuôi lợn. Thức ăn là cuống rau, cám, bã rượu. Ông nhịn cả nước mắm phân phối để dành cho lợn mỗi khi kém ăn.
Mỗi tháng lợn tăng được vài kg, ông "quy thịt tính ra tiền" được hơn 70 đồng, đúng bằng lương ông thời ấy. Bạn bè đến chơi, thầy Cương bảo nhà có hai phó tiến sĩ, ông là một, con lợn là hai. Phó tiến sĩ Cương thi thoảng còn kêu ca, chứ "phó tiến sĩ" kia chỉ ăn và ủn ỉn.
Hồi ấy, nhiều nơi mời đi dạy thêm nhưng ông Cương quyết từ chối vì thấy "làm tiền" quá. "Có năm gần đến ngày giỗ bố, tôi không xoay được đồng nào làm mâm cơm mời họ hàng. Hết cách, thế rồi cũng phải đi dạy thêm", ông kể. Xoay xở mãi, ông cũng lo mâm cơm cúng có rau và thịt, tích góp từ tiền dạy thêm và tem thịt của cả nhà một tháng.
Thời cả nước ăn mặc bằng tem phiếu, gạo mậu dịch nhiều khi mốc, hôi nhưng vẫn phải ăn. Có lần vợ đi xếp hàng mua gạo quá trưa chưa về, ông vay tiền hàng xóm để đong gạo chợ. Mặc cả xong, chuẩn bị trả tiền thì vợ hớt hải chạy ra bảo mua được gạo mậu dịch rồi.
"Bà bán gạo nài nỉ bảo thầy cứ thử ăn gạo này một lần xem có khác gạo mậu dịch không. Tôi bảo không, hồi nhỏ tôi từng ăn gạo này rồi, vẫn nhớ mùi cơm thơm lắm nhưng giờ thiếu tiền nên đành ăn gạo mậu dịch. Túng thiếu đến nỗi một cân gạo ở ngoài cũng không dám mua", thầy Cương kể.
"Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ"
Những chiếc xe đạp Peugeot, Favorite, Supercub, Babetta được coi là "siêu xe" thời bao cấp. Xe mua về phải đi đăng ký số khung, rồi chờ công an cấp giấy chứng nhận sở hữu, cấp biển số. Anh chàng nào đi "siêu xe" đảm bảo tán gái bao giờ cũng thành công. Những tài sản giá trị trở thành câu cửa miệng Làm trai cho đáng nên trai/ Có Pha-vơ rít, có đài thắt lưng, hay Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ (Peugeot cá vàng)/ Mặt rỗ đi Lơ không bằng lưng gù đi Cub...
chuyen-xep-hang-nuoi-lon-thoi-bao-cap-2
Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp của ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng. Những chiếc xe đạp như Peugeot, Aviac... có giá trị bằng cả cây vàng nên có giấy chứng nhận sở hữu như ôtô, xe máy hiện nay. Ảnh:Hoàng Phương.
Bà Hoàng Thị Nụ (74 tuổi) vợ nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Vũ Mão kể, hồi đó chồng bà là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Các con trai, con gái tuổi thiếu niên, sáng đi học, chiều đi xếp hàng lấy bánh mì, mua rau mậu dịch... Ông Vũ Mão hưởng tiêu chuẩn phiếu C nên được ưu tiên mua gạo ở cửa hàng 35 Ngô Quyền. Gạo mang về lại san sẻ cho bạn bè trong tập thể Trung ương Đoàn (31 Trương Hán Siêu) nếu họ chưa mua được. Sau nhà nào mua được lại trả, cứ đùm bọc qua những ngày khó khăn nhất.
Có năm, các kho lương thực ở Hà Nội cạn kiệt, cả nước chạy ăn từng bữa, ăn bo bo thay cơm. "Khi đó tôi đi học bên Liên Xô. Bọn trẻ ở nhà đang tuổi lớn, ăn bo bo đến ám ảnh. Có cái xe đạp của Tiệp Khắc giá trị nhất, thế là bố con ông ấy phải bán đi mua mấy chục cân gạo cầm cự", bà kể.
Bà Nguyễn Thị Bạn (84 tuổi) trước là cán bộ xã Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) dành dụm hơn 5 năm được một món tiền, nhờ cô cháu chuyên buôn đồ trên chợ Đồng Xuân mua cho chiếc Peugeot 430 đồng, giá trị bằng một cây vàng. "Cái cảm giác đi xe máy xịn hay ôtô sang bây giờ cũng thường thôi, không sướng bằng lần đầu tiên được đi xe Peugeot hồi đó đâu", bà nói.
Một hôm, cậu cháu trai mượn xe đi tập làm xước. Xót của, bà Bạn đem chiếc Peugeot về, lau một lượt khăn ướt, thêm lượt khăn khô rồi... đóng hộp cất đi. Cách đây 10 năm, khi Bảo tàng dân tộc học mở cuộc triển lãm Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, chiếc Peugeot được bán cho bảo tàng với giá 3 triệu đồng. Giờ chiếc xe đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, vẫn còn nguyên.
Với hàng triệu người, thời bao cấp là một miền ký ức vừa muốn quên đi nhưng cũng thật đáng để nhớ. "Những năm tháng ai cũng khổ như nhau nên thấy cái khổ của mình bình thường lắm. Nhớ nhất có lẽ là tình cảm trong sáng của con người thời ấy và khoảng cách giữa giàu nghèo không quá xa xôi", PGS Văn Như Cương nói.
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nhung-chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-thoi-tem-phieu-3509053.html

BÀI HỌC SÂU SẮC TỪ TỶ PHÚ LÝ GIA THÀNH

1. Chuyện tiền và việc đầu tư

Có một câu chuyện lưu truyền trong giới thương nhân Hong Kong về tính tiết kiệm và sử dụng tiền nổi tiếng của ông Lý như sau: Một hôm, vô tình một đồng tiền kim loại từ trong túi ông Lý rơi ra, nếu như nhiều doanh nhân khác, chắc chắn họ sẽ bỏ đi. Tuy nhiên, ông Lý đã cúi xuống nhặt, nhưng không nhặt được.
Một người bên cạnh đã nhặt giúp ông và lịch sự đưa trả cho ông. Ông Lý đã đưa cho người đó 100 đô la Hong Kong để tỏ lòng biết ơn.
Người đó hỏi lý do, ông trả lời: “Nếu không nhặt đồng tiền kim loại thì sẽ bỏ phí, còn nhặt được tôi sẽ có cách dùng để nhân số tiền đó lên thành nhiều lần. 100 đô la cũng rất có ích nếu ông biết cách sử dụng. Tác dụng của đồng tiền không phải để dành mà là để sử dụng.”
Một câu chuyện khác cũng rất thú vị. Đó là câu chuyện về người tài xế của Lý Gia Thành. Người tài xế này sau 30 năm lái xe cho ông Lý cũng đến tuổi nghỉ hưu. Ông Lý thấy vậy liền ngỏ ý tặng cho ông số tiền 2 triệu đô Hong Kong làm tiền dưỡng già. Tài xế liền từ chối và nói rằng bản thân mình đã để dành 20 triệu đô Hong Kong từ khi lái xe cho ông Lý. Lý Gia Thành thấy lạ liền hỏi: Mỗi tháng lương của lái xe khoảng 6.000 đô la Hong Kong, vậy làm sao trong 30 năm lại có 20 triệu đô Hong Kong?
Ông tài xế trả lời: Mỗi lần nghe ông nói chuyện qua điện thoại muốn mua dự án nhà biệt thự nào hay cổ phiếu nào sắp lên giá là tôi liền ghi chép và lấy tiền tiết kiệm mua một ít. Bây giờ tính ra số tài sản đó cũng được 20 triệu đô Hong Kong rồi.
Người tài xế gần gũi đã học được bài học đắt giá từ chính ông chủ của mình về thời cơ, sự cần kiệm, biết tích lũy để đầu tư. Và lẽ dĩ nhiên, khi ông chủ là tỷ phú thì bản thân ông là triệu phú cũng không có gì là ngạc nhiên.
Vì vậy trong cuộc sống, khi ta đi học, quan trọng là gặp được người Thầy tốt, khi đi làm gặp được sư phụ tốt, khi ra ngoài gặp được bạn tốt và khi kết hôn gặp được người bạn đời tốt. Ông Lý luôn nhấn mạnh: Người ta gặp được nhau trong kiếp này gọi là duyên phận. Nhưng sống được bền lâu với nhau phải dựa trên chân thành và tín nghĩa.
quote-gna-ly-gia-thanh-web



2. Chuyện chiếc đồng hồvà việc sử dụng thời gian

Tỷ phú giàu nhất châu Á Lý Gia Thành (Li Ka-shing) hoàn toàn có khả năng sắm những vật dụng xa xỉ, nhưng ông lại chỉ sử dụng chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời Citizen Eco-Driven với giá 500 USD.
Tuy với nhiều người, 500 USD không phải là con số nhỏ, song với Lý Gia Thành – người giàu nhất Hong Kong – lựa chọn đồng hồ giá 500 USD là một ngạc nhiên thú vị.
Theo Bloomberg, ông Lý cũng chỉ vừa mới “nâng đời” lên chiếc Citizen Eco-Drive giá 500 USD này. Trước kia, ông vẫn chỉ đeo chiếc Seiko suốt hàng thập kỷ và tránh xa các loại đồng hồ đắt giá như Rolex, Panerais và Patek Philippe.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, tỷ phú 88 tuổi này đã giải thích vì sao ông “chuyển” sang dùng chiếc Citizen 3 năm trước “Dù chỉ có 5 phút, bạn vẫn có thể sạc nó, bạn không cần phải thay pin và bạn có thể đeo nó khi đi bơi”.
Khi được hỏi, liệu bạn bè có trêu chọc ông về chiếc đồng hồ giá rẻ không, tỷ phú Hong Kong trả lời “Không, vì họ biết tính tôi”.
Ông Lý cũng không bao giờ ngần ngại nói về tính tiết kiệm của mình. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, ông đã mở đầu bằng chủ đề về đồng hồ “Đồng hồ của anh thật sang trọng, cái của tôi phải rẻ hơn của anh đến 50 USD. Đây là chiếc đồng hồ của công việc chứ không phải tôi không thể mua chiếc đắt tiền hơn”.
Ông Lý còn cho biết, ông rất thích chiếc đồng hồ này vì không phải luôn để mắt tới nó. “Nếu đó là chiếc đồng hồ giá hàng trăm nghìn USD thì tôi phải rất cẩn thận. Song nó đáng giá có vài trăm đô, tôi có thể chơi golf, đi bơi, tập thể dục mà không phải trông chừng”.
Một điều chú ý hơn nữa là tỷ phú này đặt đồng hồ chạy nhanh hơn bình thường 30 phút. “Tại sao ư? Vì nếu tôi có lỡ quên một cuộc hẹn ở bất cứ đâu tại Hong Kong, thì tôi vẫn có thể tới đó trong vòng nửa tiếng”, người giàu nhất châu Á cho biết thêm.

3. Chuyện đọc sách và chân lý cuộc sống

Tỷ phú giàu nhất Châu Á cho biết, ông có một cách rất hiệu quả để tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn: “Nếu tôi có một kỳ nghỉ hiếm hoi nào đó, tôi sẽ đọc sách suốt”.
Sau bàn làm việc của Li luôn treo một bức tranh thư pháp, trên đó viết về chân lý sống của ông: “Đặt mục tiêu cao, làm bạn với nhiều loại người, tận hưởng những niềm vui đơn giản, đứng trên cao, ngồi dưới thấp, bước đi vững chãi”.
Trong sự nghiệp kinh doanh thành công lẫy lừng của mình, Lý Gia Thành cũng đã đúc kết được triết lý kinh doanh, trở thành cẩm nang cho nhiều doanh nhân hiện nay. Đó là:
Lấy tư tưởng của người theo đạo Nho để quản lý doanh nghiệp.
Lấy lòng từ thiện của người theo đạo Phật để đối xử với nhân tài.
Lấy trạng thái tâm lý ổn định để phát triển sự nghiệp.
Lấy tâm hồn gần gũi đối xử với đối thủ.

AI ĐÃ VÔ ƠN

Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, Cuba và nhiều nước trên thế giới (có những nước không thuộc chế độ Cộng Sản) đã tổ chức Quốc tang 7 ngày.

Năm 1973, khi chiến tranh Việt Nam đang trọng giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Fidel Castro trực tiếp đến Việt Nam, tham gia vào phòng tuyến Quảng Trị. Trong chuyến thăm này, Cuba tặng Việt Nam nhiều công trình kinh tế - xã hội trị giá khoảng 80 triệu đô la gồm:

- Khách sạn Thắng Lợi ở Hà Nội, trên đường Yên Phụ, Hồ Tây. Hiện nay vẫn còn sử dụng tốt
- Nông trường bò sữa Mộc Châu với 1.200 con bò thụ thai ở Cuba và đẻ ở Việt Nam (trẻ em Cuba được uống sữa miễn phí hằng ngày, còn trẻ em Việt Nam không có sữa mà uống vì các công trình y tế, trang trại bị Mỹ ném bom phá hủy)



- Nông trường gà ở Lương Mỹ (Hòa Bình) sau thành nơi cung cấp gà giống cho cả miền Bắc (sữa không có mà uống, thịt không có mà ăn) ==>(?!!!)
- Bệnh viện Cuba 500 giường ở Đồng Hới (Quảng Bình). Ai là dân Quảng Bình chắc chắn phải biết nhờ cái bệnh viện này hàng trăm nghìn người đã được chăm sóc y tế, đã được cứu sống.

- Chính phủ Cuba ngoài viện trợ lương thực, y tế còn quyết định chi hơn 6 triệu USD để mua các trang thiết bị hiện đại từ Nhật Bản và cử một số sĩ quan, chuyên viên sang Việt Nam để tu sửa, xây dựng cầu đường.

Năm 1977, Cuba vận động tất cả các nước Mỹ Latinh bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Năm 1979, khi Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam. Fidel Castro lại một lần nữa nhấn mạnh "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình". Ông ra lệnh cho quân đội sẵn sàng đến trợ giúp Việt Nam. Tuy nhiên ngay sau đó, Liên Xô đưa quân đội cùng rất nhiều tên lửa đến sát biên giới Trung Quốc và tuyên bố sẽ san phẳng Bắc Kinh nếu như Trung Quốc không rút quân về nước. Trung Quốc vội vàng thu quân.

Những năm 80, Mỹ cấm vận, trừng phạt kinh tế, dùng nhiều thủ đoạn để cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao của Việt Nam với thế giới, Cuba vẫn luôn luôn viện trợ Việt Nam về mọi mặt.

Năm 1973 Cuba giúp ta bắc cầu treo Bến Tắt qua thượng nguồn sông Bến Hải vào nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh nhánh đông và rải nhựa đoạn này trước khi giải phóng miền Nam. Năm 2005 lũ lớn cuốn trôi cầu ta phải phục chế lại để giữ kỷ niệm của nước bạn... Đến nay nhiều bạn trẻ không biết nghĩa tình chung thủy VN- CB son sắt đến mức nào

Năm 1986 xảy ra thảm họa nguyên tử Chernobyl ở Ukraine. Hàng ngàn trẻ em Ukraine đã được sang Cuba điều trị miễn phí. Tuy không được phía Cuba tiết lộ, các quan chức chính phủ Ukraine ước tính chi phí điều trị cho đến nay không dưới 300 triệu USD.

Mặc dù hiện nay Ukraine bài trừ cộng sản nhưng Tổng Thống Ukraine Petro Poroshenko, sau khi biết tin ông Fidel Castro mất, đã gửi lời tri ân đến ông và nhân dân Cuba về điều này.

Những năm 1980, 1990 Việt Nam ở trong tình trạng khan hiếm vaccine. Giá vaccine thời ấy cực kỳ đắt đỏ. Trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong tăng cao. Cuba đã viện trợ rất nhiều vaccine cho Việt Nam, đồng thời đào tạo nhiều y bác sỹ cho Việt Nam.
Thế hệ 8x và 9x của Việt Nam cao lớn và khỏe mạnh như hiện nay đều nhận những mũi vaccine từ Cuba, vì sao họ vội quay lưng hùa theo mạng xã hội ném đá...

Và còn nhiều, nhiều, nhiều nữa...Fidel Castro và người dân Cuba đã vì Việt Nam như thế...Vậy, tại sao nhiều người đã vô ơn không nhớ điều đó?! Chúng ta có thể thích người này ghét người kia, hay có tư tưởng chính trị khác nhau hoặc có người muốn mượn chuyện Cuba để nói chuyện nước ta nước Lào; nhưng cho dù vì mục đích gì mà tỏ thái độ báng bổ và vô ơn với người đã từng giúp đỡ mình thì đó không phải là truyền thống đạo đức của người Việt Nam, ngày 04/12 nước ta tổ chức Quốc tang dành cho Fidel Castro bạn sẽ làm gì để tưởng nhớ ông ấy???!!!

Trái tim ông ngừng đập ở tuổi 90 khi đất nước ông chuyển sang một giai đoạn mới. Với một số người nông cạn họ tưởng rằng ông đã là dĩ vãng. Không ! Ông mãi là huyền thoại. Ông là người đàn ông kỳ vĩ mà giản dị. Con người hào sảng của Mỹ La tinh. Ông là lãnh tụ duy nhất đến mặt trận Quảng trị ngay sau vừa im tiếng súng năm 1972. Câu nói:"thức cho Việt Nam" là câu nói của một con người vĩ đại sẵn sàng chia sẻ tận cùng với bạn bè về nỗi đau, sự mất mát do chiến tranh để đấu tranh và mong cầu cho một nền hòa bình vĩnh viễn.

Ai không biết không nên nói và không nên xúc phạm một người đã yêu quý và tôn trọng dân tộc chúng ta. Ông là người gần gũi và kết bạn với mọi người. Những tình bạn ấy bền vững kết nối khắp địa cầu.

Danh thủ Diego Maradona, một trong những người bạn của Phidel đã nói về ông:
"Không có một "chế độ độc tài" nào chỉ với 20 người đàn ông dám thách thức một đế quốc Mỹ.

- Không một nơi nào khác xóa hẳn mù chữ trong vòng 1 năm.
- Không một nơi nào khác giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh từ 42% xuống 4%.
- Không một nơi nào khác trên thế giới có 130 ngàn bác sĩ để đảm bảo sao cho cứ 130 người dân có 1 bác sĩ.- 
- Không một nơi nào khác tìm ra những phương thuốc thần kì nhất thế giới, mỗi năm đào tạo cho hơn 1500 bác sĩ ngoại quốc, với 25000 bác sĩ tốt nghiệp của 84 quốc gia khác nhau.
- Không một ai khác gửi 30 ngàn bác sĩ tới hơn 68 quốc gia để thực hiện hơn 600 ngàn nhiệm vụ cứu trợ.
- Không một nơi nào khác ở châu Mỹ La Tinh là nước duy nhất không có trẻ suy dinh dưỡng.
- Không một nơi nào khác ở châu Mỹ La Tinh là nước duy nhất không có tệ ma túy.
- Không một nơi nào khác 100% trẻ em được đi học.
- Không một nơi nào khác trên thế giới là nước duy nhất mà người ta không thể thấy cảnh trẻ em phải ngủ ngoài đường.
- Không một nơi nào khác trên thế giới là nước duy nhất có hệ sinh thái bền vững.
- Không một nơi nào khác tuổi thọ trung bình của người dân là 79 tuổi.
- Không một nơi nào khác là quốc gia duy nhất có thể ngăn HIV lây truyền từ mẹ sang con.
- Không một nơi nào khác ở châu Mỹ La Tinh giành được số lượng huy vàng nhiều nhất các kì thế vận hội Olympic.
- Không một ai khác thoát khỏi 600 cuộc ám sát của nỗ lực 11 đời tổng thống Mỹ.
- Không một nơi nào khác trải qua 50 cuộc cấm vận kinh tế và chiến tranh.
- Không phải ai cũng có thể sống đến 90 tuổi, nhất là một trong những danh nhân lịch sử.

Ông là tình yêu của hàng triệu người. Bị hiểu lầm bởi nhiều người khác. Điều bạn có thể dễ dàng làm lúc này và bất cứ ai cũng có có thể làm...hãy vị tha.
Hãy yên nghỉ, Fidel.
(Trích bức thư của Ông D.Maradona gửi chia buồn tới chính phủ và nhân dân Cu Ba.)

Nghiêng mình trước ông con người vĩ đại.

TẠI SAO BẠN NGHÈO?

“Những người nghèo thường thích “nói” nhiều. Họ luôn luôn có những kế hoạch thần sầu để trở thành một đại gia “top ten” của quốc gia hay thế giới. Kế hoạch luôn thay đổi vì chưa làm gì thì đã có một ý tưởng mới hay hơn, tốt hơn. Hoặc có làm thì thường bỏ cuộc sau 5 phút vào trận đấu vì thực tế thị trường không tươi đẹp như trên giấy tờ hay các khẩu hiệu.”



Một bạn để ý là tôi có nhiều sách về những câu châm ngôn phát đi từ các danh nhân và triết gia trong tủ sách. Được hỏi câu nào mang nhiều ý nghĩa nhất, tôi buột miệng theo tiềm thức, “Nghèo là một cái tội.” Trước khi ném đá và giương cao ngọn cờ “đấu tranh giai cấp”, xin các bạn cho ông già này giải thích.

Tôi đã nhiều lần rỗng túi, chạy quanh đường phố để suy nghĩ mà không biết ngày mai tiền sẽ từ đâu đến để trả cho cả trăm cái bills (hóa đơn). Tôi cũng đã từng có rất nhiều tiền mà suốt ngày phải họp với các chuyên gia thuế vụ để tìm cách làm “giảm hay hoãn” thuế. Nhìn lại, dù có tiền hay không, hạnh phúc hay đau khổ của tôi trong những hoàn cảnh này đều không liên quan đến tiền. Tuy nhiên, dù khóc hay cười, tôi nghiệm ra một điều là “có tiền” thì vẫn thú vị hơn. Mặt khác, tôi cũng có thể chắc chắn một điều: dù “không tiền”, tôi vẫn chưa bao giờ “nghèo”.

“Nghèo” không đơn thuần chỉ là “không tiền”. Dưới góc nhìn chủ quan của tôi, một con người toàn diện phải hội đủ 6 thành tố: sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội và tài chánh.Một người có nhiều tiền nhưng nghèo sức khỏe vẫn hoang phí tháng ngày. Nghèo kiến thức thì dù là một đại gia vẫn được xếp vào hạng ngu. Cha mẹ cho rất nhiều tiền nhưng tinh thần và tâm linh kém cỏi, yếu đuối thì trước sau gì cũng đi vào khổ lụy. Thêm nữa, dù có một gia đình bền chặt và một kết nối xã hội tốt, bạn vẫn không làm gì được cho ai nếu không có tài chánh.

“Nghèo” là người không có gì để “cho”. Dĩ nhiên, ta không thể cho những gì ta không có.

Ngoài những người bất hạnh với tật nguyền bẩm sinh, sứ mệnh của con người theo nhiều tôn giáo, triết thuyết… là để đóng góp một “cái gì đó” cho tha nhân. “Nghèo” hay không có gì để đóng góp có phải là một tội lỗi?

Tôi nhận xét một điều là ở Việt Nam, người dân không thiếu cơ sở hay dữ kiện để truy cập và phát triển về những yếu tố quan trọng như trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội, gia đình hay sức khỏe. Trong khi đó, vì chuyện chính trị là một vùng nhậy cảm cho nhà cầm quyền, nên kiến thức về kinh tế tài chánh lại thiếu hụt, kém chính xác và luôn bị những định hướng chính trị bẻ cong.

Do đó, trong bài viết này, tôi sẽ giới hạn suy nghĩ của mình về yếu tố tài chánh. Tôi cố gắng phân tích ra những lý do cốt lõi đã gây nên cái nghèo “tiền” cho gần 90% dân số. Dĩ nhiên, tiền không phải là hiện thân của tất cả giá trị con người, nhưng từ ngàn xưa, văn hóa Đông Phương đã hiểu rằng, “dân có giàu, nước mới mạnh”. Giàu phải là một nghĩa vụ quốc gia, mà tôi cho rằng cũng quan trọng không kém nghĩa vụ quân sự hay văn hóa.

1. Tư duy nghèo

Từ nhỏ và ngay cả khi bắt đầu biết đọc sách, suy nghĩ, tâm trí của tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ một văn hóa và môi trường “ghét người giàu, và đồng hóa cái nghèo với trong sạch”. Dù chế độ VNCH cũ được coi như là một tiền đồn của chủ nghĩa tư bản, chánh phủ vẫn giáo dục người dân về các “tội lỗi” của người giàu.

Từ chánh phủ với chính sách “người cầy có ruộng” hay “xây nhà bình dân” đến trong lớp học, ngoài đời, văn hóa “thanh bần và trọc phú” là những biểu hiện thường trực. Những câu chuyện khổ nạn của Oliver Twist, Les Miserables, Grapes of Wrath… rất phổ biến, tạo một tư duy “nửa xã hội nửa tiểu tư sản”. Nếu sinh ra thời đó, Bill Gates, Warren Buffett… có lẽ là những tên tuổi xấu thay vì được ngưỡng mộ như gần đây.

Descartes nói, “Je pense, donc je suis” (tôi trở thành người tôi nghĩ). Mỹ có thành ngữ, ”Tư duy tạo nên hành động, hành động tạo thói quen, thói quen tạo cá tính và cá tính tạo định mệnh.” Một tư duy “nghèo” chắc chắn phải đem đến một định mệnh “nghèo”.

2. Kiến thức nghèo:

Trong những người giàu có mà tôi hân hạnh được quen biết, họ đều chia sẻ một cá tính chung “rất chịu khó học hỏi tìm tòi và sẵn sàng chấp nhận những mới lạ thay đổi”. Ngoài các quan chức và đại gia làm giàu nhờ quan hệ dựa trên quyền lực, ngay cả những người giàu từ các chế độ XHCN đều thể hiện tinh thần và phong thái cởi mở nói trên.

Người Do Thái suy nghĩ rất nhiều về tiền bạc, nhưng họ cũng chịu khó bỏ ra một số lượng thời gian khá lớn để học hỏi các phương cách làm giàu, từ gia đình bạn bè hay sách vở kinh giảng. Trong trường đại học của tôi, có nhiều social clubs (câu lạc bộ) cho các sinh viên có chung sở thích từ thể thao, từ thiện, chính trị… đến toán học, kịch nghệ hay tranh luận (debate). Nhiều bạn Do Thái chỉ gia nhập how-to-get-rich clubs (làm giàu).

Người Trung Quốc cũng đam mê giàu có từ bản chất. Họ rất bén nhậy với cơ hội, cần cù, nâng đỡ nhau trong các bang hội…để cùng làm giàu. Họ thực tế, không hoang tưởng và mặc cho sự giáo huấn của đảng cộng sản 70 năm qua, bản sắc làm giàu vẫn tiềm tàng mạnh trong mỗi gia đình và cá nhân.

Làm giàu là một hành trình lâu bền và khổ cực. Kiến thức là phương tiện quan trọng để thâu ngắn chặng đường. Nghèo kiến thức thì nghèo kết quả.

3. Môi trường nghèo:

Một đặc điểm của tôn giáo Do Thái là việc đề cao sự giàu có vật chất. Trong khi Ki Tô Giáo và Phật Giáo khuyến thị tín đồ phải “ép xác” hay “tránh tham” để tự giải thoát tinh thần và tâm linh khỏi vòng khổ nạn, lãnh tụ các tôn giáo này thường nâng cấp góc cạnh “nghèo” qua các bài giảng. Kết quả là một đa số quần chúng coi giàu là một tội lỗi, người giàu là một địch thủ. Sự thù hận, đố kỵ này được các chính trị gia Mác Lê lợi dụng triệt để để thâu tóm quyền lực, tạo nên một môi trường “của người nghèo, do người nghèo và vì người nghèo”. Dĩ nhiên, đó chỉ là thủ đoạn, họ và các phe nhóm hay con cháu… thì không bao giờ nghèo.

Ngay cả trong những nước tư bản tự do làm giàu, một đứa trẻ sinh ra trong một môi trường nghèo như tại các khu ổ chuột thành phố, hay các vùng quê xa xôi hẻo lánh, thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi con người và hoàn cảnh bao quanh. Trừ một thiểu số có ý chí và tư duy mạnh mẽ, đa số âm thầm chịu đựng rồi đổ thừa cho số mệnh. Câu “cái số mình nó thế” nghe rất quen thuộc ở những môi trường nghèo.

Con người có đặc tính “bầy đàn”. Khi đám đông nghèo thì ta cũng “hạnh phúc” với cái nghèo, biện luận là phải “chia sẻ” với láng giềng. Nhiều người lại còn tự hào về cái hạnh phúc trong nghèo đói của mình.

4. Nghèo hành động:

Tôi quan sát (hoàn toàn chủ quan, không kiểm chứng được) là những người nghèo thường thích “nói” nhiều. Họ luôn luôn có những kế hoạch thần sầu để trở thành một đại gia “top ten” của quốc gia hay thế giới. Kế hoạch luôn thay đổi vì chưa làm gì thì đã có một ý tưởng mới hay hơn, tốt hơn. Hoặc có làm thì thường bỏ cuộc sau 5 phút vào trận đấu vì thực tế thị trường không tươi đẹp như trên giấy tờ hay các khẩu hiệu.

Nói chung, họ thích nhàn (không muốn nhận là lười biếng) và coi đây là một triết lý sống khôn ngoan. Nếu nhờ chút mánh mun mà kiếm được tiền hay quyền, họ sẽ coi họ là đỉnh cao của xã hội. Nói phét, nổ bậy… trong các bàn tiệc nhậu nhẹt be bét là một thói quen rất dễ nhận ra.

Nhiều người nghèo khác thì lười nhưng thích ra dáng trầm uất, bất cần đời… hay khơi động lòng thương hại của người khác. “Xin-cho”, “ăn mày quá khứ”… là những hành xử phổ thông của các nhóm nghèo này.

5. Chọn bạn nghèo:

Một châm ngôn thông dụng của Âu Mỹ là “bạn cho tôi biết thu nhập của 5 người thân thiết nhất trong đời bạn, và tôi sẽ tính ra con số thu nhập trung bình của bạn”. Á Đông thì rõ ràng hơn, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Tôi nhớ những ngày còn trẻ, tôi hay la cà cùng bạn bè ở quán cà phê, quán rượu, garage nhà hàng xóm. Chúng tôi miên man mơ mộng và nói về những tương lai khi chúng tôi giúp nhau giàu có để trả hận đời. Một ngày, tôi chợt nhận ra là tất cả bạn này đều nghèo rớt mồng tơi như tôi. Tụ họp ngày ngày với nhau, tôi chắc chắn tương lai duy nhất của chúng tôi là sẽ trở thành những ông già nghèo rớt mồng tơi. Sau khi nhận ra chân lý, tôi dứt khoát rời bỏ đám đông “tình nghĩa” này đề đi tìm cho mình một tương lai khác.

Qua những trải nghiệm và suy nghĩ của mình, tôi đúc kết 5 nguyên nhân cốt lõi trên mà tôi cho rằng đang cột chặt bạn với cái nghèo. Tôi có thể sai, tôi còn nhiều thiếu sót, tôi có nhiều định kiến chủ quan… Có lẽ vậy. Nhưng đây là kết luận của một người đã từng rất nghèo, rất ngu và biết thay đổi kịp thời.

Quốc gia nghèo

Một điều nữa. Khi chia sẻ với nhau, nhiều bạn có gởi tôi những cuốn sách, những bài khảo luận về đề tài “lý do khiến một quốc gia nghèo”. Có những lý thuyết rất cao siêu từ tháp ngà hàn lâm (vì chúng làm tôi ngủ thật ngon sau vài trang), có những khôn ngoan rất dễ hiểu (như các bài viết hay phát ngôn của Warren Buffett). Tuy nhiên, tôi cho rằng 5 lý do khiến một cá nhân nghèo như tôi đã trình bày, cũng rất giống 5 lý do cốt lõi khiến một quốc gia nghèo.

Nói về lý do chọn bạn chẳng hạn. Nhìn qua lịch sử, bạn của anh nhà giàu Hoa Kỳ thường giàu theo như Tây Âu, Nhật, Úc, Singapore… Còn bạn của các anh Liên Xô, Trung Quốc, Cuba…vẫn nghèo rớt mồng tơi (ngôn ngữ Việt phong phú nhỉ).

Văn hóa Á Đông thường chê trách về chuyện “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Tôi không dám nói về chuyện vợ chồng vì sẽ bị ném đá, ngay tại nhà. Nhưng nếu có những ông bạn suốt ngày cứ ca tụng chuyện nghèo, tôi sẽ không ngần ngại tránh xa. Họ độc hại hơn các hóa chất trong thực phẩm của Trung Quốc. Lỡ ăn nhầm, vẫn có thể vào bệnh viện bơm ruột. Nhưng nếu tư duy nghèo đã ăn vào trí não và xương tủy, thì cả cuộc đời trở thành lãng phí.

Tôi nhớ một câu message (tin nhắn) thú vị, nhiều người thâu vào hộp thư thoại (voice mail box) của họ, ”Xin để lại tên và điện thoại của bạn. Tôi đang tìm cách thay đổi đời mình. Nếu tôi không gọi lại bạn, thì bạn nên hiểu bạn là một trong những thay đổi đó”.

Không biết bao giờ các lãnh đạo mới can đảm nói với “xứ lạ” điều này?

-TS Alan Phan-

CÓ NHIỀU CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH ROM, BẠN CHỌN CON ĐƯỜNG NÀO ?

Trong một lớp học, cô giáo hỏi các em học sinh; “Theo các em, 8 chia cho 2 thì bằng mấy?”
Cả một rừng cánh tay đưa lên “Dạ, thưa cô, 8/2 bằng 4 ạ”

Duy chỉ có một bạn im lặng và rụt rè; “Thưa cô, em nghĩ khác ạ”.

Mọi người hồi hộp lo sợ cho bạn này vì kiểu gì cũng bị cô giáo mắng hoặc chê.
- “Ừ, em nói đi nào!”
- “Theo em, nếu cắt đôi số 8 theo chiều ngang, thì 8/2 bằng 0 ạ. Còn nếu cắt đôi số 8 theo chiều dọc thì 8/2 bằng 3 ạ”.

Cả lớp ồ lên, và cô giáo khen “Em thật giỏi!”, sau đó cô giáo làm động tác lấy 2 bàn tay và giấu ngón cái đi rồi hỏi “Vậy theo em 8/2 bằng mấy?”, cậu bé vui mừng “Dạ, em hiểu rồi, 8/2 bằng 4 ạ”.

Qua câu chuyện vừa rồi, chắc các bạn đã hiểu “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, nhưng khổ nỗi ngay từ nhỏ chúng ta lại được dạy theo một cách mà ở đó chỉ luôn có một con đường. Vì quá quan tâm đến điểm số và kết quả mà không hiểu lý do vì sao nên chúng ta luôn sợ hãi khi đi tìm một con đường khác, con đường ít người đi.

Nếu bạn muốn tiến xa, bạn phải học cách sống trước! Đó là học cách luôn là chính mình, dám dũng cảm lựa chọn con đường của chính mình, lời giải của chính mình cho tất cả các bài toán cuộc sống.

BÀN LUẬN VỀ THẤT BẠI CỦA TÀO THÁO


Ai thành công cũng phải trải qua vài lần thất bại, cho nên "Thất bại là một chuyện tốt, thất bại giúp ta có kinh nghiệm, thất bại cho chúng ta trưởng thành hơn ....., chỉ có những người trải qua thất bại mà không nản mới là người dành được thành công.


NHỮNG BÀI HỌC 1 PHÚT (ONE MINUTE) TỪ TS. ALAN PHAN

"Muốn kiếm được nhiều tiền hãy quên chuyện tiền. Hãy nghĩ đến công việc, sự đam mê của mình và chăm chú vào đó. Khi anh làm một việc gì thành công, giỏi giang; anh có một kiến thức rất chuyên sâu về bất cứ một ngành gì tiền sẽ tự động tìm tới anh." - TS. Alan Phan -

TƯ DUY VỀ TIỀN BẠC


“Kinh Thánh cũng khẳng định là “ người giàu vào thiên đường khó hơn con lạc đà đi lọt qua mũi kim”. Có thể nói là tôi không ưa tiền, nếu không phải là thù ghét… Tuy nhiên, tôi khám phá rất nhanh một điều: tất cả những gì hay những người tôi yêu thương đều “cần” và “yêu” tiền.”  - TS. Alan Phan
Tôi lớn lên trong một gia đình trung bình, không nhiều tiền bạc, nhưng có một tuổi thơ tương đối êm đềm dịu ngọt. Sài gòn những thập niên 50’s, 60’s trong các khu phố quanh vườn Tao Đàn là những chuỗi ngày của bướm hoa và chim chóc. Rồi 3 năm trên những đối thông vắng lạnh quanh Yersin Đà Lạt cũng là những hồi ức của nô đùa, khám phá đầy tiếng cười. Bạn bè chúng tôi chỉ có một món đồ chơi duy nhất là quả bóng cao su trúng được từ một giải thưởng ở trường. Tất cả đồ chơi còn lại đều do tài sáng tạo của chúng tôi bằng các vật dụng lượm lặt quanh nhà. Tôi hoa mắt khi dẫn con nhỏ lần đầu vào Toys”R”Us để hắn chọn quà.

Bước vào đại học, tôi say mê với những văn phẩm nghệ thuật mang mầu sắc đấu tranh xã hội và hiện sinh từ Kafka, Camus, Kierkegaard… Tôi có một thái độ rất thịnh hành ngày đó là coi thường những doanh gia (gọi là trọc phú) và tiền bạc (như thầy giảng, không có đồng tiền nào mà không dính đến tội ác). Rồi Kinh Thánh cũng khẳng định là “người giàu vào thiên đường khó hơn con lạc đà đi lọt qua mũi kim”. Có thể nói là tôi không ưa tiền, nếu không phải là thù ghét.

Tuy nhiên, tôi khám phá rất nhanh một điều: tất cả những gì hay những người tôi yêu thương đều “cần” và “yêu” tiền.

Một lần tôi bày tỏ hăng say với một cô bạn gái, ”có những thứ mà đồng tiền không mua được”. Cô cười, ”vậy là anh không biết shop (mua sắm)”. Tôi cũng cảm nhận là sau những lần thất bại trên thương trường, tôi vẫn được thỏai mái hơn khi còn chút tiền. Thật đúng như cô đào Zsa Zsa Gabor nói, “Khóc đâu cũng là khóc, nhưng tôi thích khóc trong chiếc xe Rolls Royce”.

- Quyến rũ của tiền bạc

Tôi bắt đầu đi vào một thái cực khác, có lẽ là “dark side” (phần đen) như truyện Star War. Tôi bắt đầu say đắm người vợ (tiền) mà mình đã không biết yêu khi cưới. Tôi yêu tiền như một đứa bé lần đầu bước vào tiệm kẹo. Trong các lớp tâm lý sơ đẳng, sách vở dạy rằng con người bị chi phối và thúc đẩy bởi bốn động lực chính: quyền lực, danh vọng, tiền bạc và “hóc môn” (hormones). Hóc môn là ăn, nhậu, sex và thuốc. Mỗi người một kiểu, người thích món này hơn món khác, người thích vài món, những anh chị mê cả bốn món thường vào tù rất sớm. Tôi thì chỉ thích tiền.

Suốt thời trung niên, từ năm 30 tuổi đến gần đây, tôi thấy đồng tiền là tất cả. Nó cho tôi những tác phẩm tuyệt vời như chiếc xe Lamborghini vàng tôi mua tặng mình năm sinh nhật 33 tuổi; như chiếc đồng hồ Oris Artelier vợ tôi mua cho hai đứa (his and her) trong một phút ngẫu hứng tại Monte Carlo; như chiếc du thuyền Feretti tôi chia sở hữu (share ownership) với 3 người bạn khác ở Miami; như cái condo nhỏ bé dễ thương cạnh bờ biển Puerto Viejo của Costa Rica; như những bộ viết máy mang các tên huyền thọai như Mont Blanc, Cartier, Montegrappa, Visconti…tôi dã tốn công sưu tập suốt 25 năm.

Đồng tiền cũng cho tôi những trải nghiệm khó quên như chuyến du hành lạ lùng vào Tây Tạng huyền bí vào năm 1979 (rất ít người được phép thăm); như chuyến leo núi ở Cerro Castor phía nam Argentina đầy mạo hiểm (súyt bị môt trận bão tuyết chôn vùi); như lần đi dã ngọai safari ở Kenya nóng bức với một người tình Rawandan đen hơn than đá.

Tôi quên mất những mặt trái của đồng tiền để chỉ còn say đắm với lợi ích. Tôi cho rằng ba lợi ích lớn nhất của đồng tiền nhìn từ góc cạnh trí thức là tự do, thì giờ và nhân tính.

Những người thực sự giàu ít khi phải làm những gì họ không muốn. Họ cũng không bị buộc phải sống ở một nơi nào, với những người họ không thích hay chịu đựng những áp đặt ngược đời. Họ cũng có nhiều thì giờ hơn để chăm chú vào trọng điểm công việc vì đã có nhiều nhân viên phụ làm các việc lặt vặt. Nhờ vậy, họ có thời gian để thưởng thức văn hóa nghệ thuật nhiều hơn. Nhờ đồng tiền, những người giàu có thường rộng luợng quyên tặng cho những nạn nhân kém may mắn của xã hội. Họ cũng không bị những mặc cảm thua kém chi phối, nên nhân cách họ thường cởi mở và dễ thích hợp.

- Giới hạn của tiền bạc

Nhưng thực tế thường phức tạp và nhiều thách thức hơn lý thuyết. Tôi tin rằng có rất nhiều người giàu đạt được những tự do, thì giờ và nhân cách do đồng tiền mang lại. Warren Buffett và Bill Gates là hai thí dụ điển hình. Tuy vậy, phần lớn những người giàu tôi quen biết, cũng như chính cái “tôi” đáng ghét lúc xưa, phải loay hoay trong cái bẫy của nghịch lý.

Trước hết, hành xử hàng ngày cùa chúng tôi bị giới hạn vào trách nhiệm phải có với cổ đông, với nhân viên, với khách hàng, với quyền lợi và thương hiệu của doanh nghiệp, và với cả cộng đồng chung quanh. Chúng tôi không thể nói hay làm những gì có thể gây hại đến những đối tác này. Bản thân chúng tôi cũng không có quyền bị bệnh nữa. Tuy không như Steve Jobs đã làm cổ phiếu Apple giảm 8% khi tin ông bị ung thư loan truyền, tôi và ban quản lý cũng phải dấu chuyện tôi phải mổ tim (heart attack) vào năm 1999 để tránh ảnh hưởng xấu trên cổ phiếu của công ty Hartcourt bé xíu.

Chúng tôi cũng bận rộn khủng khiếp khi giàu có. Với những báo cáo, tin tức, Emails và điện thọai thường xuyên, chúng tôi may mắn lắm mới có thì giờ nhàn rỗi để đọc hết một cuốn sách trên 500 trang. Những tiệc tùng lễ hội liên tiếp không cho chúng tôi thời gian để thư giãn với gia đình bạn bè. Bao nhiêu liên hệ thân tình sâu xa đã bị sự giàu có chia cắt.

Rồi đến những họat động xã hội thiện nguyện. Dù rộng lượng, nhiều người trong chúng tôi cũng không muốn danh nghĩa hay tiền bạc bị lạm dụng cho những mục tiêu đen tối. Hơn nữa, khi mở lòng giúp với vài trăm dollars nghe thật dễ dàng; vấn đề trở nên phức tạp khi số tiền lên đến cả triệu dollar. Bộ phận kế tóan, thuế vụ, pháp lý và PR phải nhẩy vào để khán duyệt và chỉ dẫn.

- Những phúc lộc không tiền

Tôi vẫn yêu tiền. Dù nó mang đến hạnh phúc hay đau khổ, đồng tiền vẫn là người vợ, người tình và người bạn tuyệt vời. Nhưng tôi cũng không bao giờ quên những phúc lộc không cần có tiền, không cần mua hay thâu tóm. Chẳng hạn cuốn truyện The Catcher On The Rye và Dr. Zhivago tôi tình cờ đọc lại sau 40 năm, vào một buổi chiều đi lạc vào thư viện ở New Delhi. Tiếng cười trong trẻo của đứa con trai ở phòng cạnh bên khi hắn thì thầm với bạn gái qua điện thọai về chuyến đi chơi của hai cha con ở New York. Khuôn mặt rực rỡ của một người con gái tóc vàng trong một buổi sáng mùa thu qua công viên Luxembourg nhìn lá vàng.

Tôi hiểu lời của Sartre rằng, ”Chúng ta nô lệ cho những gì mình sở hữu” (We are possessed by what we possess). Và tôi vẫn xin được nói với tiền như một bài nhạc tình nào đó của Trịnh Công Sơn,” Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai… đã cho tôi còn những ngày ngồi mơ ước…”

- TS. Alan Phan -

Quản trị nhân lực - ngành học thu hút bạn trẻ

Công tác nhân sự tại doanh nghiệp đòi hỏi phải có một bộ phận chuyên trách, có khả năng chuyên môn và tố chất phù hợp. Do đó, quản trị nhân lực đang thu hút nhiều bạn trẻ theo học.
Con người là nòng cốt, nguồn lực quan trọng và cũng là trung tâm sự phát triển của mỗi công ty, doanh nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bất cứ doanh nghiệp nào cũng nhận thức sâu sắc rằng: để tồn tại và vươn lên cạnh tranh tốt hơn, giải pháp quan trọng nhất là giải pháp về con người.



Công việc của người quản trị nhân lực

Tuyển chọn nhân sự, sắp xếp đúng người đúng việc, tổ chức công việc, quản lý hiệu quả hoạt động của người lao động, nâng cao năng lực của nhân viên… được xem là một trong những chìa khóa thành công của doanh nghiệp. Người giữ chiếc chìa khóa ấy không ai khác là những nhà quản trị nhân sự. Công tác nhân sự tại doanh nghiệp đòi hỏi phải có một bộ phận chuyên trách, có khả năng chuyên môn và tố chất phù hợp.

Công việc chính của phòng nhân sự thường rất đa dạng, bao gồm: tuyển dụng, đào tạo nhân viên, công tác định mức lao động, mô tả công việc, theo dõi chấm công, tính lương, thực hiện các công việc liên quan đến bảo hiểm, giải quyết chế độ (thai sản, nghỉ việc, phúc lợi, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động…). Sự cần thiết và quan trọng của bộ phận nhân sự còn thể hiện ở việc định hướng và quy hoạch nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Nghiên cứu những công ty được đánh giá là biết “thực hành nhân sự tốt nhất” (HR Best Practice) ở khu vực Đông Nam Á chỉ ra rằng, cứ khoảng 100 người lao động trong công ty thì cần một nhân viên nhân sự. Nếu đem chỉ số này áp dụng tại TP HCM, nơi có khoảng 138.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 1 triệu người lao động thì phải cần đến 10.000 nhân viên nhân sự thời điểm hiện tại. Thế nhưng, nguồn cung nhân viên nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng lẫn chuyên môn, dẫn tới tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên nhân sự có chất lượng cũng như nhà quản lý nhân sự giỏi và chuyên nghiệp.

Theo học ngành quản trị nhân lực

Là trường đại học giàu kinh nghiệm đào tạo ngành quản trị nhân lực, Đại học Hoa Sen là một trong những điểm đến uy tín cho các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này.

Quan trọng nhất là đánh giá chính xác thực lực nhân viên

Một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá chất lượng môi trường đầu tư là nguồn nhân lực. Doanh nghiệp không thể tạo ra sự đột phá nếu thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và trung thực. Làm thế nào quy hoạch nhân sự một cách hợp lý để có thể tận dụng tối đa sức mạnh cộng hưởng của cả bộ máy?
Trong một chương trình hội thảo do CLB Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, ông Đoàn Sĩ Hiền - Chủ tịch HĐQT Học viện Ứng dụng marketing I.A.M đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch nhân sự. Theo quan điểm của ông Hiền, mọi chiến lược quy hoạch nhân sự đều phải bắt đầu từ nhân viên.
Hơn ai hết, người lãnh đạo doanh nghiệp phải biết xây dựng và duy trì hệ thống đánh giá và phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản và khoa học. Công việc này không hề đơn giản, nhưng nếu thực hiện thành công thì người lãnh đạo sẽ có thể chọn đúng người để giao đúng việc. Và khi ấy, lợi ích đạt được không chỉ là một bộ máy nhân sự hoạt động hiệu quả mà còn là sự hài lòng của nhân viên cũng như tiết giảm được chi phí đào tạo cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, việc đánh giá năng lực nhân viên sẽ là một trong những hoạt động không thể thiếu của các doanh nghiệp nếu muốn phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững. Dĩ nhiên, việc làm này phải được dựa trên những chỉ tiêu cụ thể cho từng chức danh - vị trí do nhân viên đảm nhiệm và phải được thực hiện định kỳ trên cơ sở đối thoại thẳng thắn.
Sẽ là sai lầm khi tuyển dụng nhân viên mà giám đốc hay trưởng phòng nhân sự lại không đưa ra được bảng mô tả công việc. Điều này không chỉ khiến ứng viên không thể hình dung hết nhiệm vụ của mình khi được phỏng vấn mà còn khiến họ lúng túng trong việc thực thi nếu được tuyển dụng. Trong rất nhiều trường hợp, người ta không sợ thiệt mà chỉ sợ không công bằng.
Việc thưởng - phạt cần phải công minh và sự đánh giá năng lực nhân viên cũng vậy. Ngoài ra, khi bố trí nhân sự, người lãnh đạo cũng cần cân nhắc về tính cách của từng nhân viên để có thể phối hợp những người có cá tính khác nhau thành một đội mạnh theo “quy luật bù trừ” và bổ sung cho nhau.
Trong bối cảnh cạnh tranh trực diện ngày nay, có rất nhiều lý do để nhân viên sẵn sàng dứt áo ra đi: không được thỏa mãn về quyền lợi vật chất, không được sếp tôn trọng - chia sẻ, thiếu cơ hội thăng tiến, không được đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn, chính sách khen thưởng không rõ ràng, bị theo dõi - kiểm soát quá gắt gao, đồng nghiệp không sẵn sàng phối hợp, sếp có biểu hiện thiên vị, môi trường làm việc không thoải mái - dân chủ...
Nếu không chủ động được về nguồn nhân lực thông qua việc quy hoạch hợp lý thì doanh nghiệp sẽ lúng túng khi xảy ra sự cố. Cách đây không lâu, một công ty sản xuất hàng tiêu dùng đã “sống dở chết dở” khi cả giám đốc sản xuất lẫn giám đốc marketing cùng đệ đơn xin nghỉ việc một lúc chỉ vì tổng giám đốc đã lạnh lùng bỏ qua góp ý của họ trong việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự.
Họ hoàn toàn có lý khi cho rằng họ là người hiểu rõ từng vị trí công việc trong bộ phận do mình phụ trách hơn ai hết. Rất may mọi việc cũng được tháo gỡ khi vị tổng giám đốc kia kịp thời sửa sai. Và bài học được rút ra là giao việc phải đi đôi với phân quyền, kể cả trong việc ra quyết định lẫn điều hành.
Quy hoạch nhân sự là một hành trình dài và phải được bắt đầu từ tầm nhìn và quyết tâm của người chủ doanh nghiệp. Trong hành trình ấy, sự thành - bại phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh giá chính xác năng lực của nhân viên. Bên cạnh đó, một điều kiện không thể thiếu là sự cam kết - đồng lòng của các cấp lãnh đạo, phòng nhân sự và nhân viên.