CÔNG THỨC TÍNH LƯƠNG CƠ BẢN

CÔNG THỨC TÍNH LƯƠNG CƠ BẢN 

Tiền lương là vấn đề mà cả chủ doanh nghiệp và người lao động đều đặc biệt quan tâm. Bài viết cung cấp công thức tính lương cơ bản và các lưu ý trong tính lương kể từ năm 2018.
Lương bổng là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất từ cả 2 phía là doanh nghiệp và người lao động. Từ góc độ nhà quản lý, việc tính toán bảng lương một cách chính xác giúp doanh nghiệp thực hiện trơn tru các giao dịch tài chính và truyền đạt thông tin một cách minh bạch tới người lao động, từ đó giúp công ty thu hút và giữ chân nhân tài. 
Vậy đâu là những hình thức trả lương trong doanh nghiệp mà người làm nhân sự và chủ doanh nghiệp nhất định phải biết?

1. Cách tính lương theo thời gian
Đây là phương pháp tính phổ biến nhất, dựa trên thời gian làm việc, cấp bậc công việc và bậc lương của người lao động. Để tính lương theo cách này, người lao động và doanh nghiệp cần nắm rõ các yếu tố sau:
1.1. Lương cơ bản
Đây là lương thỏa thuận của giám đốc với người lao động, là cơ sở tính bảo hiểm, các khoản trích, và tiền lương thực lĩnh của người lao động. Lương cơ bản không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của chính phủ tại thời điểm giao kết hợp đồng. Đặc biệt đối với lao động đã qua học nghề thì phải được cộng thêm 7% lương tối thiểu nữa.
Kể từ ngày 25/01/2018, mức lương tối thiểu vùng 1 là 3.980.000 theo Nghị định 141/2017. Như vậy nếu đang làm việc tại vùng 1, đã qua đào tạo từ cấp nghề trở lên (đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng...) thì mức lương thấp nhất mà bạn được nhận là: 3.750.000 * 7% = 4.258.600.
Tương tự, mức lương tối thiểu vùng 2 đã tăng lên 3.530.000 đồng, vùng 3 là 3.090.000 đồng và vùng 4 là 2.760.000 đồng/tháng. 
1.2. Phụ cấp
Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, hoặc phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Một số loạt phụ cấp thường gặp là:
  • Phụ cấp chức vụ, chức danh;
  • Phụ cấp trách nhiệm;
  • Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 
  • Phụ cấp thâm niên; 
  • Phụ cấp khu vực; 
  • Phụ cấp lưu động; 
  • Phụ cấp thu hút;... 
Các loại phụ cấp nếu có, sẽ được quy định rõ trong hợp đồng lao động hoặc trong quy chế lương thưởng của công ty. 
1.3. Ngày công thực tế
Đây số ngày bạn đi làm trong tháng, thường được thống kê dựa trên bảng chấm công.
Từ các thông số trên, doanh nghiệp có 2 cách tính lương cho người lao động

Cách 1: Khi doanh nghiệp không quy định ngày công chuẩn.
“Lương tháng” = “Lương cơ bản”+ “Phụ cấp (nếu có)” / “ngày công chuẩn của tháng” x “số ngày làm việc thực tế”
Ngày công chuẩn là ngày làm việc trong tháng, không bao gồm các ngày nghỉ ví dụ như nghỉ chủ nhật, nghỉ lễ. Tháng 30 và 31 ngày có tối đa 26 ngày công chuẩn. Tháng 28 ngày thì ngày công chuẩn có thể chênh lệch một chút. 
Ví dụ tháng 10/2017 có 31 ngày, 4 ngày chủ nhật. Nhân viên A được trả lương 5 triệu đồng/ tháng (đã bao gồm cả phụ cấp). 
- Nếu A nghỉ một ngày, số ngày đi làm thực tế của A là 26, bằng số ngày công chuẩn của tháng. A vẫn nhận lương đầy đủ: Lương tháng = (5.000.000/26)*26. 
- Nếu A không nghỉ mà vẫn đi làm đầy đủ, tiền lương ngày thứ 27 được tính bằng Lương ghi trên hợp đồng/26. (5.000.000/26)

Cách 2: Doanh nghiệp quy định ngày công chuẩn
Doanh nghiệp tự quy định là 24 hoặc 26 ngày. 
Ví dụ công ty của A quy định ngày công chuẩn là 26.
“Lương tháng” = “Lương” + “Phụ cấp (nếu có)” / “26” x “ngày công thực tế làm việc”
- Tháng 10/2017, có 31 ngày, 4 ngày chủ nhật. A đi làm đầy đủ và được hưởng: Lương tháng = 5.000.000/26*27
- Nếu A nghỉ phép 1 ngày vào tháng này thì A vẫn được nhận đủ số lương theo hợp đồng lao động (do vẫn đủ 26 ngày công).
- Tháng 02/2018, có 28 ngày, 4 ngày chủ nhật. A đi làm đầy đủ 24 ngày. Lương tháng = 5.000.000/26*24 

2. Cách tính lương theo sản phẩm
Đây là hình thức thức trả lương dựa trên chất lượng và số lượng sản phẩm hoặc phần trăm công việc mà người lao động đã hoàn thành. Do gắn chặt năng suất lao động với thù lao lao động, hình thức này thường được áp dụng khi cần khuyến khích năng năng suất, tăng số lượng sản phẩm.
Công thức tính lương theo sản phẩm khá đơn giản:
Lương sản phẩm = Đơn giá sản phẩm * Số lượng sản phẩm

3. Cách trả lương khoán
Đây là hình thức trả lương khi người lao động hoàn thành được đúng khối lượng công việc theo thỏa thuận giữa hai bên.
– Công thức tính: 
Lương = Mức lương khoán * Tỷ lệ % hoàn thành công việc
Thông thường, lương khoán được áp dụng cho những công việc mang tính chất thời vụ.

4. Cách tính lương theo doanh thu 
Đây là hình thức trả lương dựa trên doanh số đạt được của nhóm hoặc cá nhân. Phương thức này thường được áp dụng phổ biến với nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh. 

5. Cách tính lương làm thêm giờ
Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm có quy định:
Người lao động làm thêm giờ vào ngày thường được hưởng ít nhất 150% so với đơn giá tiền lương đang được hưởng. Nếu làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần - ít nhất bằng 200%. Nếu làm việc trong ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.
Người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% đơn giá tiền lương được hưởng. Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì được hưởng thêm 20%. Như vậy nếu làm vào ngày thường, thì người sẽ được trả ít nhất là: 150% lương của ngày làm việc bình thường + 30% lương của ngày làm việc bình thường + 20% lương của ngày làm việc bình thường = 200% lương của ngày làm việc bình thường;
Làm thêm vào ban đêm của ngày nghỉ hàng tuần, người lao động được hưởng ít nhất: 200% lương của ngày làm việc bình thường + 30% lương của ngày làm việc bình thường + 20% x 200% lương của ngày làm việc bình thường = 270% lương của ngày làm việc bình thường.

Kết luận
Tiền lương là một phạm trù phức tạp đòi hỏi sự tính toán hợp lý, chính xác từ phía chủ doanh nghiệp. Việc theo dõi đầy đủ công tác quản lý tiền lương và điều chỉnh khi cần là một việc làm cần thiết nhằm bảo đảm sự phát triển và ổn định sản xuất cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì một đội ngũ lao động không chỉ chất lượng mà còn nhiệt tình cống hiến vì mục tiêu phát triển của công ty.

CÁCH TÍNH LƯƠNG VÀ QUY CHẾ TRẢ LƯƠNG

CÁCH TÍNH LƯƠNG VÀ QUY CHẾ TRẢ LƯƠNG 

Xây dựng bảng lương, tính lương cho nhân viên theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam là việc mà mọi nhà quản lý nhân sự cần phải nắm rõ.
Tiền lương luôn là một vấn đề nóng, được quan tâm hầu khắp các doanh nghiệp hiện nay. Đó là lý do việc quản lý C&B (Compensation & Benefits) là mảng khó nhất của nhân sự. Các quản lý nhân sự của các công ty dù lớn hay nhỏ đều cần nắm rõ quy định, nguyên tắc tính lương theo luật pháp Việt Nam và hiểu rõ các hình thức trả lương để lựa chọn chiến lược phù hợp với mô hình của từng doanh nghiệp.
Bài viết này sẽ giúp bạn biết rõ hơn về những nội dung sau:
  1. Các nguyên tắc tính lương trong doanh nghiệp
  2. Quy chế tiền lương và thang bảng lương
  3. Quy định về các khoản trợ cấp và khấu trừ (bảo hiểm, trợ cấp, tiền làm thêm, hợp đồng lao động với người lớn tuổi)
  4. Các hình thức trả lương và cách tính lương cơ bản
Cùng bắt đầu tìm hiểu chi tiết.
Các nguyên tắc tính lương trong doanh nghiệp
Nguyên tắc cơ bản của việc tính lương trong doanh nghiệp đó là phân cấp bậc lương cho từng vị trí. Trước khi tim hiểu về nguyên tắc tính lương trong doanh nghiệp, bạn cần hiểu rõ một số khái niệm sau:
  • Tiền lương cấp bậc là tiền lương áp dụng cho công nhân căn cứ vào số lượng và chất lượng lao động của công nhân.
  • Hệ số tiền lương cấp bậc theo những quy định của Nhà nước là căn cứ để doanh nghiệp dựa vào đó để trả lương cho người lao động theo chất lượng và điều kiện lao động khi họ hoàn thành một công việc nhất định.
  • Mức lương là lượng tiền trả cho người lao động trong một đơn vị thời gian (giờ, ngày, tháng...) phù hợp với các cấp bậc trong thang lương. Thông thường, Nhà nước chỉ quy định mức lương bậc I hoặc mức lương tối thiểu với hệ số lương của cấp bậc tương ứng.
  • Thang lương là quan hệ tỷ lệ về tiền lương giữa các vị trí giống hoặc khác nhau theo trình tự và cấp bậc. Mỗi bậc trong thang lương đều có hệ số cấp bậc và tỷ lệ tiền lương khác nhau so với tiền lương tối thiểu.
  • Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật là văn bản quy định về mức độ phức tạp của công việc và yêu cầu về trình độ lành nghề của công nhân ở một bậc nào đó phải biết gì về mặt kỹ thuật và phải làm được gì về mặt thực hành.
Giữa các khái niệm trên có mối quan hệ chặt chẽ. Nhân viên hoàn thành tốt mức nào thì sẽ được xếp vào cấp bậc lương tương ứng mức đó. Tất nhiên quyết định này chỉ được đưa ra sau khi hoàn thành quá trình đánh giá kỹ lưỡng, khoa học.

1. Khái quát về quy chế tiền lương và thang bảng lương
1.1. Quy chế tiền lương
a. Căn cứ và phạm vi của quy chế tiền lương
- Căn cứ Bộ luật lao động số 10/2012/QH13
- Căn cứ Luật làm việc - Luật số 38/2013/QH13
- Căn cứ Nghị định Số 153/2016/NĐ-CP - Căn cứ Luật Doanh nghiệp - Luật số 68/2014/QH13
- Căn cứ vào điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty
Những nội dung quy định trong quy chế này có hiệu lực kể từ ngày được Sở Lao động - Thương binh xã hội TP Hà Nội phê duyệt.
Phạm vi áp dụng cho toàn bộ người lao động đang làm việc trong công ty.
b. Nội dung mẫu quy chế tiền lương trong doanh nghiệp
Quy chế tiền lương trong doanh nghiệp là do từng doanh nghiệp quy định, vì vậy người quản lý cần cân nhắc các nguồn lực bên trong doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp tài chính đúng đắn. Các thành phần thường có trong quy chế tiền lương của doanh nghiệp bao gồm:
Quy định chung về các khoản lương
  • Lương chính: được quy định theo Nghị định số 153/2016 NĐ-CP, là mức lương được trả cho nhân viên làm việc hành chính trong điều kiện bình thường.
  • Lương đóng BHXH: được quy định tại thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
  • Lương thử việc: 85% mức lương của công việc (mức này quy định tùy doanh nghiệp).
  • Lương khoán: lương dành cho các cá nhân làm công việc có tính chất thời vụ.
  • Cách tính lương: trả lương theo ngày công chuẩn làm việc của tháng.
  • Lương thời gian: áp dụng cho toàn thể nhân viên và lãnh đạo của công ty.
  • Phụ cấp và trợ cấp:
+ Phụ cấp:
Các chức danh: Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng phòng kinh doanh được hưởng phụ cấp trách nhiệm. Ví dụ: Mức hưởng phụ cấp của Giám đốc là 3 triệu đồng, của Phó giám đốc là 2 triệu đồng,…
Toàn bộ nhân viên chính thức kí Hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên: mức hưởng phụ cấp tùy thuộc vào từng chức danh và được ghi cụ thể trong Hợp đồng lao động.
hững nhân viên ký Hợp đồng lao động dưới 3 tháng: mức phụ cấp được thỏa thuận và ghi rõ trong Hợp đồng.
+ Trợ cấp:
Mức hưởng trợ cấp được thể hiện chi tiết trong Hợp đồng lao động. Đây là việc mà nhân viên với các cấp quản lý khi thương thảo hợp động tự đàm phán và quy định rõ với nhau rồi mới ký.
Ví dụ: Nhân viên chính thức ký Hợp đồng lao động từ 6 tháng trở lên được hưởng tiền hỗ trợ thuê nhà 1-2 triệu đồng/ tháng.
  • Cách tính và trả lương
- Nguyên tắc tính lương: chính xác về số liệu, đảm bảo thời gian trả lương theo đúng quy định
- Căn cứ tính lương: dựa vào thời gian làm việc trên bảng chấm công
- Tiền lương tháng = tiền lương chính + phụ cấp, trợ cấp (nếu có)/ 26 X số ngày làm việc thực tế
- Thời hạn trả lương: tùy thuộc vào quy định của từng công ty
- Tiền lương làm việc theo giờ: được quy định trong Bộ Luật lao động
  • Làm thêm vào ngày thường: tiền lương * 150% * số giờ làm thêm
  • Làm thêm vào ngày chủ nhật: tiền lương * 200% * số giờ làm thêm
  • Làm thêm vào ngày lễ tết: tiền lương * 300% * số giờ làm thêm
- Những ngày nghỉ được hưởng nguyên lương: nghỉ lễ, Tết; bản thân kết hôn, con kết hôn, cha, mẹ chết (cả bên chồng, vợ), vợ hoặc chồng, con chết, nghỉ phép…

  • Chế độ xét tăng lương
- Chế độ xét tăng lương: thời gian xét tăng lương trong năm tùy thuộc vào quy định mỗi công ty.
- Niên hạn và đối tượng được xét tăng lương: các nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và đã có đủ niên hạn 2 năm ở một mức lương.
- Thủ tục xét tăng lương: Phải được Ban lãnh đạo công ty hợp và xét duyệt.
- Mức tăng lương ở mỗi bậc lương: từ 10-20% của mức lương hiện tại.
- Chế độ thưởng:
  • Thưởng cuối năm (Tết âm lịch): Mức thưởng cụ thể tùy thuộc vào chất lượng làm việc của cá nhân và lợi nhuận năm đó của công ty.
  • Thưởng thâm niên: Nhân viên gắn bó với công ty tối thiểu từ 3 năm trở lên sẽ được xét duyệt các mức hưởng thưởng thâm niên.
  • Thưởng lễ 30/4 & 1/5, Ngày Quốc khánh, Tết Dương lịch: Tùy thuộc vào chất lượng công việc và mức độ đóng góp của mỗi cá nhân đối với công ty.
  • Thưởng đạt doanh thu: nếu đạt doanh thu Ban Giám đốc đề ra sẽ được thưởng phần trăm doanh thu hàng tháng. Nếu vượt doanh thu sẽ được thưởng theo lợi nhuận thực tế của công ty.
  • Dưới đây là bản mẫu về quy chế tiền lương trong doanh nghiệp của Công ty kế toán Thiên Ưng (Nguồn: ketoanthienung.vn)

tong-quan-tien-luong-va-cach-tinh-luong-01

Quy định chung trong cách tính lương của doanh nghiệp

tong-quan-tien-luong-va-cach-tinh-luong-02

tong-quan-tien-luong-va-cach-tinh-luong-04
tong-quan-tien-luong-va-cach-tinh-luong-05
1.2. Thang bảng lương
Riêng với thang bảng lương, các quản lý nhân sự cần thuộc lòng cách xây dựng một thang bảng lương đúng chuẩn cho công ty, lập bộ hồ sơ đúng với yêu cầu của các cơ quan quản lý và đem tới đúng nơi quy định để nộp trình thông tin doanh nghiệp của mình. Thang bảng lương là điều mà chính phủ Việt Nam bắt buộc với các doanh nghiệp khi vừa mới được thành lập và phải thay đổi (nếu cần thiết) dựa trên những nghị định, thông tư mới của chính phủ.
Lưu ý lớn nhất khi xây dựng thang bảng lương trong thời gian này là việc mức lương tối thiểu chung tính từ tháng 1/2017 đã tăng lên 2.760.000 VNĐ/ tháng. Cụ thể:
- Vùng l: 3.980.000 đồng tháng (tăng 230.000 VNĐ).
- Vùng 2: 3.530.000 đồng tháng (tăng 210.000 VNĐ).
- Vùng 3: 3.090.000 đồng tháng (tăng 190.000 VNĐ).
- Vùng 4: 2.760.000 đồng tháng (tăng 180.000 VNĐ).
Doanh nghiệp cần lưu ý để có sự điều chỉnh phù hợp.
2. Quy định về các khoản trợ cấp và khấu trừ
2.1. Bảo hiểm
tong-quan-tien-luong-va-cach-tinh-luong-06
Các mức bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà doanh nghiệp phải đóng cho nhân viên của mình đã được quy định rõ tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH. Các bạn có thể theo dõi bảng tỷ lệ trích các khoản bảo hiểm trong bảng sau:
tong-quan-tien-luong-va-cach-tinh-luong-06
BH TNLĐ – BNN, viết tắt của Bảo hiểm tai nạn lao động, được áp dụng mới ngày 1/6/2017 sẽ điều chỉnh giảm từ 1% xuống 0,5%.
Ngoài các chi phí bảo hiểm, doanh nghiệp còn phải đóng quỹ công đoàn:
Phí Công Đoàn = 2% x Giá trị quỹ tiền lương đóng BHXH.
Về việc đóng bảo hiểm, mức lương phải đóng bảo hiểm có sự khác nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước trả lương theo bậc, ngạch, cấp quân hàm,… nên đã có quy định cụ thể của nhà nước cho số tiền phải đóng với mỗi cấp. Còn với doanh nghiệp tư nhân, tiền lương do nhân viên và phía quản lý tự thương lượng nên việc đóng bảo hiểm phụ thuộc vào lương thực tế và trợ cấp được quy định rõ bởi thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Các khoản phụ cấp phải đóng bảo hiểm bao gồm phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực;… Các khoản phụ cấp không phải đóng bảo hiểm như tiền thưởng ý tưởng, tiền thưởng sáng chế, hỗ trợ xăng xe, tiền ăn giữa ca,…
Mức lương tối thiểu để tham gia đóng BHXH tương ứng như mức lương tối thiểu từng vùng, đối với lao động qua học nghề, có bằng cấp thì sẽ thêm 7%.
Đối tượng tham gia đóng BHXH bao gồm:
- Những người có hợp đồng lao động ít nhất 3 tháng (kể cả trẻ vị thành niên dưới 15 nếu có hợp tác với một đơn vị nào đó)
- Người có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng (trừ hợp đồng thử việc)
- Người lao động là công dân nước ngoài có giấy phép hành nghề
- Cán bộ công nhân viên chức theo quy định của pháp luật
- Các nhà quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã có hưởng lương
- Công dân được cử đi học nước ngoài, hưởng lương trong nước
- Người lao động có 2 hợp đồng lao động trở lên sẽ đóng theo hợp đồng giao kết thứ nhất
Đối tượng tham gia đóng BHYT bao gồm:
- Những người có hợp đồng lao động ít nhất 3 tháng (kể cả trẻ vị thành niên dưới 15 nếu có hợp tác với một đơn vị nào đó)
- Người lao động là công dân nước ngoài có giấy phép hành nghề từ 3 tháng trở lên
- Cán bộ công nhân viên chức theo quy định của pháp luật và các nhà quản lý doanh nghiệp
- Quản lý hợp tác xã có hưởng lương
- Người lao động có 2 hợp đồng lao động trở lên sẽ đóng theo hợp đồng giao kết thứ hai
Đối tượng tham gia đóng BH TNLĐ – BNN bao gồm:
- Người có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng (trừ hợp đồng thử việc)
- Người lao động là công dân nước ngoài có giấy phép hành nghề
- Người sử dụng lao động đóng cho người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc có giao kết HĐLĐ với các bên khác mà đã hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH và BH TNLĐ – BNN
Đối tượng tham gia đóng BHTN bao gồm:
- Những người có hợp đồng lao động ít nhất 3 tháng (kể cả trẻ vị thành niên dưới 15 nếu có hợp tác với một đơn vị nào đó)
- Cán bộ công nhân viên chức theo quy định của pháp luật
- Các nhà quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã có hưởng lương
- Công dân được cử đi học nước ngoài, hưởng lương trong nước
- Người lao động có 2 hợp đồng lao động trở lên sẽ đóng theo hợp đồng giao kết thứ nhất
Đối tượng tham gia quỹ hưu trí, tử tuất bao gồm:
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn
- Người đi lao động nước ngoài theo hợp đồng
- Người hưởng chế độ phu nhân hoạc phu quân của một cơ quan đại diễn cho Việt Nam ở nước ngoài
- Người lao động tham gia BHXH hoặc bảo lưu BHXH
- Người lao động tham gia BHXH hoặc bảo lưu BHXH còn thiếu nhiều nhất 6 tháng để hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp hằng tháng thì được phép đóng 1 lần các tháng còn thiếu để hưởng chế độ như quy định
Phương thức đóng bảo hiểm hiện nay bao gồm:
- Đóng hằng tháng
- Đóng 3-6 tháng một lần
- Đóng theo địa bàn
Lưu ý: Trốn đóng BHXH sẽ bị phạt 7 năm tù.
2.3. Trợ cấp thôi việc / thất nghiệp
Căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động, được quy định trong bộ luật lao động.
Trường hợp người lao động làm việc theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ Luật lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho tất cả các người sử dụng lao động theo các hợp đồng lao động.
Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng do người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật sa thải thì thời gian làm việc theo hợp đồng lao động cuối cùng không được tính trợ cấp thôi việc.
Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chỉ trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và cho người sử dụng lao động trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
2.4. Tiền lương làm thêm / làm vào ban đêm
Người lao động có quyền được hưởng thêm lương trong thời gian họ làm thêm để gia tăng sản xuất, gia tăng khối lượng sản phẩm theo Khoản 1 Điều 97 của Bộ Luật lao động.
Tiền lương được quy định như sau:
- Làm thêm vào ngày thường: tiền lương * 150% * số giờ làm thêm
- Làm thêm vào ngày chủ nhật: tiền lương * 200% * số giờ làm thêm
- Làm thêm vào ngày lễ tết: tiền lương * 300% * số giờ làm thêm
Người làm thêm ban đêm được trả thêm ít nhất 30% lương theo Khoản 2 Điều 97 của Bộ Luật lao động. Ngoài ra, theo khoản 3, người lao động còn được thêm 20% lương tính theo đơn giá lương mà ban ngày họ làm việc. Người lao động cũng được trả thêm giờ khi họ làm việc vào các ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ Tết.
2.5. Hợp đồng lao động với người lớn tuổi
Người lao động lớn tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi lao động của mình. Hợp động thuê người lao động lướn tuổi cần phải thỏa mãn Khoản 2, 3 Điều 166 và Khoản 2, 3, 4 điều 167 Bộ Luật lao động. Người sử dụng lao động khi thương thảo với người lao động lớn tuổi cần đi kỹ các diều khoản và thức hiện các bổ sung cần thiết tùy từng trường hợp vào trong hợp đồng lao động.
3. Các hình thức trả lương và cách tính lương cơ bản
Có nhiều hình thức trả lương như: trả theo lương khoán, theo sản phẩm, theo doanh thu,… Mỗi hình thức lại có một công thức khác nhau. Tất cả đều phải đảm bảo nguyên tắc chính xác và đúng thời hạn.
Nếu trong trường hợp đặc biệt, không trả được lương đúng hạn thì thời hạn không được chậm quá 1 tháng nếu không từ ngày thứ 15 trở đi, doanh nghiệp sẽ phải chịu lãi suất tối thiểu khi huy động tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm trả chậm.
Kết luận
Mong rằng bài viết đã truyền tải được tất cả các vấn đề liên quan tới tính lương, thưởng của doanh nghiệp Việt Nam một cách tổng quát tới với độc giả. Các quản lý cần theo dõi sát sao các hoạt động công bố chính sách, nghị định, thông tư mới của chính phủ để kịp thời điều chỉnh cho doanh nghiệp của mình.

CÁCH QUY ĐỔI LƯƠNG NET SANG GROSS

CÁCH QUY ĐỔI LƯƠNG NET SANG GROSS NÊN QUAN TÂM ĐẾN LOẠI LƯƠNG NÀO ?
Doanh nghiệp và người lao động đều có 2 lựa chọn: lương net và lương gross. Chọn phương pháp tính lương nào để có lợi nhất? Cách quy đổi giữa chúng ra sao?
Lương net và lương gross là hai thuật ngữ khá quan trọng trong chính sách lương của doanh nghiệp. Vậy lương net là gì? Lương gross là gì? Cách quy đổi lương net sang lương gross như thế nào?

Lương net là gì? Lương gross là gì?
Lương gross là tổng thu nhập của người lao động. Lương gross bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp, hoa hồng và các khoản đóng bảo hiểm, thuế mà người lao động cần phải trả.
Lương net là số tiền thực tế mà người lao động có thể nhận được và “chi tiêu được”. Theo quy định thì người lao động cần phải đóng bảo hiểm và các loại thuế thu nhập cá nhân. Sau khi trừ đi các khoản này, số tiền mà họ có thể bỏ túi chính là lương net.
Người lao động và doanh nghiệp nên quan tâm đến lương net hay lương gross?
Ở Việt Nam, các công ty nước ngoài thường trả lương gross, trong khi các doanh nghiệp quốc nội lại ưa chuộng trả lương net. Vì sao lại có sự khác biệt này?

Lý do phổ biến nhất là tính minh bạch.
Về nguyên tắc, các cơ quan BHXH và cơ quan thuế tính khoản thu từ người lao động dựa trên tổng lương gross. Doanh nghiệp chọn trả lương gross sẽ tính toán các khoản nộp thay người lao động từ đúng con số này và đảm bảo nộp đủ tiền. Ngược lại, từ mức lương gross, người lao động cũng có thể chủ động tính được số tiền bảo hiểm, tiền thuế mà công ty đã đóng thay, từ đó đối chiếu với số lương thực tế mà mình được nhận.
Trong khi đó nếu ký hợp đồng lương net, một số doanh nghiệp sẽ mập mờ khi khai báo lương net thành lương gross với các cơ quan chức năng. Vì lương net thấp hơn lương gross nên mức đóng bảo hiểm, thuế mà công ty phải nộp thay người lao động sẽ thấp hơn.
Đây là một “chiêu trò” hiệu quả để các công ty giảm bớt chi phí và tiết kiệm tiền mặt. Tuy nhiên điều này có ảnh hưởng to lớn đến quyền lợi của người lao động. Do đóng ít tiền bảo hiểm hơn, quyền lợi của họ sẽ giảm đi, nhất là trong các trường hợp thai sản, tai nạn lao động, các quyền lợi an sinh xã hội khác,...
Dĩ nhiên cũng có trường hợp tuy ký hợp đồng lương net nhưng doanh nghiệp vẫn nộp đúng và đủ số tiền thuế, tiền BHXH cho người lao động. Nhưng để đảm bảo tính minh bạch và chủ động giữa cả hai bên, người lao động và doanh nghiệp nên ký hợp đồng theo lương gross.

Cách quy đổi lương net sang lương gross theo quy định
Ta có công thức biểu diễn mối quan hệ giữa lương net và lương gross như sau:

LUƠNG NET = LƯƠNG GROSS - (BHXH + BHYT + BHTN + THUẾ TNCN)

Cách tính cụ thể các thành phần trong đó như sau:

1. Tỷ lệ trích đóng các khoản bảo hiểm
Tỷ lệ trích đóng các khoản bảo hiểm mới nhất, theo quy định kể từ ngày 1/1/2018 lần lượt là:
BHXH: 8%, BHYT 1,5% và BHTN 1%. => Tổng cộng: 10,5%
  • Mức lương tham gia bảo hiểm: Được ghi theo bảng lương và hợp đồng lương của doanh nghiệp với người lao động. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
  • Phụ cấp phải được cộng vào để tính bảo hiểm bắt buộc bao gồm: phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thâm niên, khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp thu hút và các loại phụ cấp có tính chất tương tự.
  • Các khoản bổ sung khác đã thỏa thuận cũng được gộp vào để tính bảo hiểm bắt buộc.
Các khoản bổ sung không được gộp vào để tính BH bắt buộc bao gồm: tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác
2. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
2.1. Thuế TNCN với lao động dài hạn (thời gian hợp đồng > 3 tháng)
Thuế TNCN với lao động dài hạn được tính như sau:
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
= (Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ) X Thuế suất
= (Tổng thu nhập - Các khoản được miễn thuế - Các khoản giảm trừ) x Thuế suất
Trong đó:
(1) Tổng thu nhập: Lương gross
(2) Các khoản được miễn thuế:
  • Tiền ăn giữa ca, ăn trưa không vượt quá: 730.000 đ/tháng (Nếu doanh nghiệp tự nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn cho nhân viên thì sẽ được miễn toàn bộ, tức là không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN)
  • Tiền phụ cấp trang phục không quá 5.000.000đ/năm. (Nếu bằng hiện vật thì được miễn toàn bộ)
  • Mức khoán chi phụ cấp điện thoại, công tác phí theo quy chế của công ty
  • Tiền trả hay thuê nhà không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo)
  • Phần tiền chênh lệch giữa tiền làm thêm giờ vào ngày nghỉ, lễ, làm việc ban đêm so với tiền làm ngày bình thường. Ví dụ: Làm ban ngày được 40.000 đ/h nhưng làm thêm giờ ban đêm được 60.000 đ/h. Suy ra thu nhập được miễn thuế là: 60.000đ - 40.000đ = 20.000đ/h.
  • Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân chi cho đám hiếu, hỉ của bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân.Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
  • Những khoản phúc lợi khác, hoặc các khoản phúc lợi trên nhưng vượt quá giá trị quy định sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Ngoài ra trong hợp đồng lao động, tất cả các khoản phụ cấp phải được quy định rõ điều kiện hưởng và mức hưởng.
(3) Các khoản giảm trừ:
  • Giảm trừ gia cảnh: Đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (có hiệu lực từ 1/7/2020, trước đó là 9 triệu đồng/tháng). Đối với mỗi người phụ thuộc vào người nộp thuế: 4,4 triệu đồng/tháng (có hiệu lực từ 1/7/2020, trước đó là 3,6 triệu đồng/tháng). Trong trường hợp có người phụ thuộc, phải đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh với cơ quan
  • Các khoản bảo hiểm bắt buộc: 10,5% của Tổng thu nhập (Lương gross)
  • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
(4) Thuế suất:
Thuế suất thuế TNCN được biểu thị trong Biểu thuế luỹ tiến từng phần, quy định tại Phụ lục 01/PL-TNCN, Thông tư số 111/2013/TT-BTC.
Quy định cụ thể như sau:

Biểu thuế luỹ tiến từng phần để tính thuế suất thuế TNCN trong lương net và lương gross

2.2. Thuế TNCN với lao động thời vụ (thời gian hợp đồng > 3 tháng)
Thuế TNCN được khấu trừ cho trường hợp người lao động cư trú tại địa bàn, không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng, và có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên. Mức khấu trừ: 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
VD: Công ty A ký hợp đồng lao động với 1 nhân viên trong thời gian 2 tháng, mỗi tháng trả thu nhập 3.000.000đ và phụ cấp tiền ăn là 300.000đ.
Cách tính thuế TNCN lao động thời vụ (thời gian hợp đồng > 3 tháng) như sau:
Thuế TNCN phải nộp = (3.000.000 + 300.000) X 10% = 330.000
Như vậy trong trường hợp lao động thời vụ thì tiền ăn ca không được miễn giảm thuế TNCN.

2.3. Cách tính thuế TNCN cho cá nhân không cư trú
Cách tính thuế TNCN cho cá nhân không cư trú như sau:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế X 20%

Kết luận
Mong rằng bài viết trên đã cho các bạn được cái nhìn chính xác nhất về lương net và lương gross mà từ đó, doanh nghiệp và người lao động có thể chọn lựa phương thức tính lương phù hợp nhất. Nhưng dù chọn cách nào thì cũng cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích lâu dài.

TỪ CHỨC

TỪ CHỨC (Bài viết trên facebook của Lâm Minh Chánh)

Trong gần 20 năm làm quản lý và 10 năm làm doanh nhân, bản thân tôi từ chức vài lần, và tôi nhận rất nhiều đơn từ chức từ nhiều cấp khác nhau. Và cách tôi xử lý cũng rất khác nhau.
- Có những trường hợp, tôi nói chuyện và chả nhắc gì về đơn nghỉ việc/ từ chức của “đương sự”. Tôi chỉ nói chuyện để đương sự giải bày tâm sự, và tôi hỗ trợ để họ cảm thấy thoải mái hơn. Sau cuộc nói chuyện, đơn nghỉ việc/ từ chức xem như chưa bao giờ xảy ra. Đây là trường hợp những nhân viên cấp trung bình và thấp. Họ rất yêu mến và trung thành với công ty. Chỉ là họ không vui về việc gì đó và monhg muốn sếp lắng nghe. Từ chức chỉ là cái hờn lẫy rất dễ thương.
- Có những trường hợp, tôi nói chuyện để biết chắn chắn là họ đã quyết tâm, họ đã lựa chọn đúng rồi cám ơn họ. Đây là những trường hợp hai bên đã đủ duyên. Họ cùng đã làm khá lâu 3-5 năm, nhưng không quá giỏi để trở thành key - nhân sự không thể thiếu. Trong khi đó họ lại có cơ hội ở nơi khác: công việc khác tốt hơn, hoặc khởi nghiệp. Hai bên chia tay vui vẻ, dù là có quyến luyến.
- Có những trường hợp ảo tưởng sức mạnh: nhảy công việc liên tục, hoặc kg bao giờ hài lòng với bất kỳ công ty nào. Tôi thương thì sẽ tiếp và giúp các bạn ấy về thái độ. Còn tôi bận mà không thương lắm, thì để bộ phận Nhân sự giải quyết nhanh thôi.
- Lại có những trường hợp từ chức nhưng không thật sự từ chức. Họ muốn dùng lá đơn từ chức để đòi một cái gì đó: tăng lương, thêm quyền hạn, hoặc để thề hiện quan điểm không hài lòng với cấp trên về một việc gì đó, hoặc là để thể hiện tôi còn rất quan trọng, cấp trên phải chú ý vào tôi, chứ không được chú ý đến thằng X, cô Y nào đó.
Những trường hợp này tôi xử lý như sau: 
1) Nếu công ty/tôi cần người đó. Tôi nhìn vào mắt họ và nói: em đừng đưa công ty và chính bản thân em vào thế khó xử. Công ty chìu em được thì cũng phải chìu những người khác được. Nếu ok với em, mai mốt ai muốn cái gì, cũng viết đơn từ chức. Sẽ rất khó cho công ty. Mà nếu công ty không chìu em, thì phải duyệt đơn này. Khó cho cả em và công ty. Em nên đặt vấn để cách khác nhé.
2) Nếu công ty/tôi không cần người đó lắm. Tôi sẽ nói “Em tính sai cờ rồi”. “Mời Em qua gặp Nhân sự làm thủ tục nhé. “Chúc em may mắn”.
Những nhân sự cao cấp, chín chắn và hiểu biết sẽ ít khi dùng đơn từ chức như một lá bài. Vì có thể họ sẽ thua trong cuộc chơi cân não đó. Mà nếu họ thắng, tức là đạt được điều họ muốn, thì họ mang tiếng “tiền hậu bất nhất”. Mới nói từ chức đó, giờ lại thôi. Trang hảo hán ai làm vậy? Và sau đó, thì cấp trên cũng không dám tin cậy vào họ nữa. Nói chung đó là cuộc chơi đầy may rủi, và cấp cao thì không nên dùng lá bài từ chức. Nên thẳng thắn đề xuất, thẳng thắn tranh luận.
Tôi cũng túy hứng viết vậy thôi.
Những việc của tôi viết là trong quản trị, trong kinh doanh. Các bạn đừng liên tường đến vụ từ chức của bác Hải, Phó Chủ tịch quận 1, Tp HCM nhé. Tôi không thể dùng việc kinh doanh để nói qua chính trị được. Chính trị thì cao siêu . Dân quản trị, dân kinh doanh như tôi đâu biết gì mà bàn. 🙂
Tôi viết rất nhanh, nên chắc còn lỗi chính tả. Tôi sẽ sửa sau, giờ chuẩn bị đi ăn trưa

LMC

SỨC MẠNH CỦA CẢ ĐỘI SẼ BỊ TÁC ĐỘNG BỞI MẮT XÍCH YẾU NHẤT

SỨC MẠNH CỦA CẢ ĐỘI SẼ BỊ TÁC ĐỘNG BỞI MẮT XÍCH YẾU NHẤT

Chúng tôi vừa trải qua chương trình lãnh đạo đội nhóm rất đặc biệt. Trước đây tôi rất tự tin về khả năng lãnh đạo của mình nên khi được mọi người giao làm Team Leader tôi đã nhận và thực hiện theo cách mà tôi vẫn làm. Đội của chúng tôi có 3 nam, 3 nữ. 3 Nam chơi được nhiều môn thể thao trong đó có 1 bạn rất mạnh còn 3 bạn nữ hơi nhỏ con và yếu nên khi tham gia trò chơi có phần yếu kém. Ngay ngày đầu tiên chúng tôi đã gặp vấn đề vì cả đội chỉ thắng được 1 trận. Lúc đó tôi vẫn dùng phương pháp khích lệ động viên như thường lệ để khích lệ tinh thần các bạn trong nhóm. Một bạn nữ trong nhóm đã yêu cầu tôi họp team để tìm giải pháp để cả đội dành chiến thắng chứ không bỏ qua như vậy. Cả đội họp lại và thống nhất cần tập luyện nhiều hơn. Các bạn nam huấn luyện cấp tốc cho các bạn nữ. Lần đầu tiên tôi cảm nhận mình có gì đó sai sai trong cách lãnh đạo.
Hàng ngày, chúng tôi đến từ 6 giờ sáng và tranh thủ tập 45 phút đầu giờ để tập luyện trước khi vào học. Tôi rất xúc động khi nhìn các bạn nữ luyện tập. Tôi rất hạnh phúc vì đội nhóm của mình đã rất nỗ lực. Có bạn nữ luôn bắt chúng tôi sửa từng động tác để sao cho tốt hơn, có bạn thì bầm dập cả ngón tay nhưng vẫn nén đau để nỗ lực cùng đồng đội. Bạn cuối cùng và cũng là nhỏ tuổi nhất, tôi biết bạn ấy rất sợ nhưng vẫn dám nhận nhiệm vụ khó khăn nhất ghi bàn cho cả đội nữ. Số trận thắng của chúng tôi dần được cải thiện qua từng ngày.
Ngày cuối cùng, cũng là ngày quyết định khi các đội thi đấu với nhau. Trước trận đấu tôi lờ mờ nhận ra điểm yếu của đội không nằm ở 3 bạn nữ mà nằm ở chính bạn nam chơi tốt nhất đội. Ngày trước khi thi đấu, Bạn ấy không tập trung tuân thủ chiến thuật của cả đội. Và rồi chúng tôi thua 2 trận liên tiếp mà có một phần không nhỏ từ chính sự không tuân thủ chiến thuật của bạn nam mạnh nhất đó. Điều tệ hại nhất là khi chúng tôi có cơ hội để quay lại cuộc chơi thì chúng tôi đã mất lòng tin ở nhau. Thật đau đớn vì tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo của mình. Nhìn đội chiến thắng tôi nhận ra mình ngộ ra bài học rất lớn mà THẦY đã dạy nhưng mãi mà mình không hiểu. Ngày hôm trước chính các thành viên trong đội chiến thắng đã to tiếng khi đồng đội không nố lực. Họ tỏ thái độ gay gắt khi một đồng đội không tập trung. Chúng tôi và nhiều đội khác đã từng thắng họ nhưng hôm nay họ thật mạnh mẽ và đoàn kết. Chủ công của họ bị trấn thương tưởng như không thể thi đấu nhưng họ vẫn cùng nhau nỗ lực hết mình để dành chiến thắng. Nhìn họ chiến thắng làm tôi xúc động.
Lần đầu tiên chúng tôi đã ngồi lại và thẳng thắn tự phê bình, phê bình một cách gay gắt, thẳng thắn với nhau – đây là cách mà tôi chưa bao giờ áp dụng. Tôi đã biết mình sai ở đâu – Tôi chính là Mắt xích mạnh nhất nhưng lại là điểm yếu nhất của cả đội. Tôi đã là ông bầu của những đội bóng XHCN trước đây, thắng trong giao hữu và thua trong giải bởi vì Tôi quá NICE và không muốn làm tổn thương ai. Bây giờ tôi đã hiều “Đòi hỏi người khác nhiều hơn mức độ họ đòi hỏi bản thân” mà Thầy dạy là như thế nào.
Em cám ơn Thầy đã giúp Em thay đổi và luôn cám ơn Thầy vào tất cả các buổi sáng khi em thức dậy.

KỶ LUẬT GIÚP BẠN ĐẠT ĐƯỢC GÌ ?

KỶ LUẬT GIÚP BẠN ĐẠT ĐƯỢC GÌ ?



Dear anh em Yuppies yêu thương,
Sáng nay, khi tìm hiểu sự thành công của một tập đoàn hàng đầu Việt Nam hiện tại. Linh đã phát hiện ra một trong những chìa khóa quan trọng mang đến sự thành công của họ là tinh thần thượng tôn kỷ luật.
Linh chia sẻ thêm cho anh em sự kỷ luật sẽ giúp anh em đạt được điều gì và tấm gương kỷ luật từ quốc gia hàng đầu thế giới Nhật Bản.
---
Muốn vươn tới thành công? Hãy kỷ luật với bản thân!
"Kỷ luật chính là tự do" - Có thể bạn sẽ không đồng ý với phát biểu trên và chắc chắn nhiều người cũng thấy như thế. Người ta thường cho rằng kỷ luật là một từ kinh khủng và nó đồng nghĩa với việc mất tự do.
Thực tế thì ngược lại, nhà giáo dục nổi tiếng Stephen R. Covey đã nói rằng “người vô kỷ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc, sự thèm muốn và say mê.” về lâu dài, người vô kỷ luật sẽ thiếu đi sự tự do mà bản thân có được vì tính bừa bãi.
Kỉ luật bản thân là hành động dựa vào lý trí thay vì cảm xúc nhất thời của bạn. Nó là việc vượt qua lòng ham thích và và nỗi sợ trong hiện tại vì mục đích ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Vì thế, tính tự kỷ luật giúp cho bạn:
- Tiếp tục thực hiện các ý tưởng trong công việc khi sự nhiệt tình, hăng hái ban đầu đã bị xuống dốc.
- Đi đến phòng tập khi bạn muốn nằm dài và xem TV.
- Dậy sớm để làm những việc bạn phải làm trong ngày.
- Nói “không” với việc ăn uống bừa bãi.
- Tự kiểm soát sự "nghiện ngập" với mạng xã hội.
Tính tự kỷ luật từng là điểm yếu của phần lớn chúng ta, kết quả hiển nhiên là bạn sẽ thấy mình thiếu khả năng để làm vô số việc mà mình muốn. Chẳng có ai muốn chui ra khỏi chăn trong một ngày rét buốt, nhưng ham muốn ấy nên chịu sự kiểm soát bởi lý trí có mục đích của mỗi người.
Phải hiểu chính mình trước
Tự kỷ luật nghĩa là hành xử theo điều mà bạn thấy là tốt nhất, bất kể cảm xúc của bạn trong hiện tại ra sao. Chính vì thế đặc điểm đầu tiên của sự tự kỷ luật là phải tự nhận biết. Bạn cần quyết định xem hành động nào sẽ là tốt nhất cho mục tiêu và giá trị của bạn. Quá trình này cần xem xét bên trong bản thân bạn, để hiệu quả nhất thì bạn nên viết nó ra.
Khuyên bạn nên dành thời gian viết ra mục tiêu, mơ ước và tham vọng của mình. Tốt hơn nữa thì hãy viết ra mong muốn lớn nhất đời mình. Việc viết ra như vậy giúp bạn hiểu rõ hơn mình là ai, thứ mà mình mong muốn và những giá trị với chính mình.
Nhận thức thế nào là thiếu kỷ luật
Tự kỷ luật phụ thuộc vào việc nhận thức cả cái bạn đang làm và không đang làm. Bởi lẽ, nếu bạn không nhận thức được hành động của mình là thiếu kỷ luật thì làm sao bạn có thể hành động khác đi được cơ chứ?
Khi bạn bắt đầu xây dựng tính tự kỷ luật, bạn sẽ nhận thức thấy mình đang làm những việc vô kỷ luật – ví dụ như cắn móng tay, bỏ tập thể dục, phá vỡ chế độ ăn kiêng hoặc kiểm tra facebook và mail liên tục.
Phát triển tính tự kỷ luật cần có thời gian, tuy nhiên chìa khóa ở đây là bạn phải nhận thức được hành vi thiếu kỷ luật của mình. Dần dần nhận thức này sẽ đến sớm hơn, nghĩa là thay vì thấy sự vô kỷ luật của mình trong khi đang làm những việc đó thì bạn sẽ nhận thức được điều đó trước khi bạn hành động như vậy. Nó tạo cơ hội cho bạn ra quyết định hành động đúng với mục tiêu và giá trị của mình.
Tự đưa ra cam kết
Không chỉ là viết ra mục tiêu và giá trị của bản thân. Bạn cần phải có sự cam kết bên trong chính bản thân đối với những điều đó. Nếu không, khi chuông đồng hồ reo lúc 5h sáng thì bạn sẽ thấy chẳng hại gì nếu bấm nút tắt và tự nhủ “thêm 5-10 phút nữa thôi”. Hoặc khi nhiệt huyết và tinh thần ban đầu đã đi xuống, bạn sẽ thấy rất khó khăn để hoàn thành đến cuối kế hoạch của mình.
Nếu bạn đang giằng co với sự cam kết, hãy quả quyết rằng bạn cần theo đuổi những gì mình đã nói là sẽ làm - bao gồm lúc bạn nói như thế và cách mà bạn đã cam kết.
Can đảm để đổi lấy những gì tốt đẹp hơn
Không hề sai khi nói tự kỷ luật là một việc cực kỳ khó. Cảm xúc, sự thèm muốn và si mê là một lực cản rất lớn. Chính vì thế sự tự kỷ luật phụ thuộc rất nhiều vào sự can đảm.
Đừng giả vờ việc gì đó là dễ dàng đối với bạn trong khi thực tế nó rất khó khăn và gian khổ. Thay vào đó, hãy tìm kiếm lòng can đảm để đối mặt với khó chịu và mệt mỏi. Hãy bồi đắp dần bởi những chiến thắng bản thân nhỏ nhặt, sự tự tin của bạn sẽ lớn mạnh hơn và lòng can đảm để có được tính tự kỷ luật sẽ đến dễ dàng hơn.
Cái giá của sự kỷ luật ít hơn nhiều so với sự hối tiếc
Hãy khắc ghi câu nói này khi đang cảm thấy do dự hoặc sắp làm gì đó sai trái. Bạn có thể mất một vài năm của hiện tại để đổi lấy 20, 30 năm hay thậm chí là toàn bộ năm tháng còn lại của cuộc đời mỉm cười trong mãn nguyện.
Hoặc ngược lại, thả mình trôi vô định và không thuộc về bất cứ khuôn khổ nào hết tuổi trẻ? Cho cùng, đó là cách nghĩ và quan điểm của bạn. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh chưa có bất kì tấm gương thành công nào lại không kỉ luật và nghiêm khắc với bản thân.
Người Nhật nổi tiếng nghiêm khắc trong công việc, nhưng chính sự nghiêm khắc đó đã mang đến cho họ những thành công.
1. Không nói từ “không” dù không thích
Nếu như trong văn hóa phương tây thì việc chúng ta thường từ chối thẳng thừng những điều bản thân không thích là điều thường được khuyến khích thì ở phương Đông, điều đó sẽ dễ làm phật lòng đối tác. Người Nhật không làm vậy, cho dù không thích họ sẽ tìm cách nói giảm, nói tránh, không đi thẳng vào vấn đề. Nếu không thể nói nhẹ nhàng, bóng gió họ sẽ nói rõ ràng hơn nhưng rất thận trọng để không làm đối tác phật ý.
Điều đó thể hiện sự tôn trọng người khác và chứng tỏ rằng họ đã lắng nghe người khác rất cẩn thận trước khi quyết định nói ra.
2. Luôn luôn đúng giờ
Trong các cuộc hẹn, họp hay kể cả gặp gỡ thân mật, người Nhật thường đến sớm vài phút vì không muốn để người khác phải chờ mình. Việc đến sớm hay đến đúng giờ thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác hay bạn bè. Nếu bạn nghĩ đơn giản rằng đến muộn một chút cũng không sao, điều đó thậm chí còn làm tăng giá trị bản thân thì thật sự sai lầm. Hãy đặt bản thân vào người đối diện: Bạn có thật sự thoải mái khi phải chờ người khác hay không?
Hãy tập thói quen đúng giờ trong các cuộc hẹn, vì việc này sẽ giúp bạn hình thành thói quen kỷ luật trong công việc và cuộc sống.
3. Luôn giữ “ấm” cho mọi mối quan hệ
Chúng ta thường chỉ liên lạc với nhau khi có việc cần nhờ giúp đỡ, còn những lúc bình thường thì không hề quan tâm. Người Nhật Bản không như vậy, họ coi trọng những mối quan hệ vì vậy họ luôn biết cách giữ “ấm” cho các mối quan hệ này bằng cách thường xuyên gọi điện thoại, gửi thư, fax, email, hẹn gặp trực tiếp nếu có thời gian… Việc làm này được xem là dấu hiệu của sự tôn trọng. Vì vậy, hãy học cách của người Nhật, đừng bỏ quên các mối quan hệ quá lâu, sẽ có một ngày chúng ta cần tới sự giúp đỡ của họ.
4. Tôn trọng danh thiếp
Khi một ai đó đưa danh thiếp của họ cho bạn cũng giống như họ đang giới thiệu bản thân họ với bạn vì vậy đừng hờ hững đưa một tay ra nhận và mắt nhìn đi chỗ khác, hãy nhận danh thiếp bằng hai tay và mỉm cười với họ điều đó thể hiện rằng bạn tôn trọng.
Đối với người Nhật, khi nhận danh thiếp từ một người khác họ sẽ nhận bằng cả hai tay và cuối người thấp xuống tỏ vẻ sự tôn trọng và đọc danh thiếp một cách cẩn thận. Tiếp đến họ sẽ bỏ danh thiếp vào một cái hộp hoặc đặt trước mặt và luôn giữ cho danh thiếp được sạch sẽ.
5. Tôn kính và coi trọng thứ bậc
Truyền thống của người Nhật là cúi đầu trước người khác, nhất là đối với người lớn tuổi và có địa vị cao họ thường cúi thấp hơn để thể hiện sự tôn kính. Họ có thói quen học hỏi từ người đi trước, do vậy khi nêu ra một vấn đề gì đó với cấp trên hoặc những người lớn tuổi thường là mang tính chất xin được tư vấn chứ không phải để chất vấn hay đánh đố.
Việc cúi đầu chào cũng không phải do mình nhỏ bé, thấp kém mà đó là thái độ khiêm nhường. Hãy luôn tôn trọng tất cả mọi người xung quanh bạn, nhất là những người lớn tuổi, bởi họ là những người có thâm niên lâu năm. Khi gặp một vấn đề khó khăn bạn hãy xin ý kiến của họ, sẽ có những lời khuyên hay và thiết thực dành cho bạn.
6. Không thể hiện tình cảm ra ngoài
Nơi làm việc không phải là nơi để chúng ta thể hiện tình cảm cá nhân. Ở các công ty Nhật bạn sẽ luôn bắt gặp những khuôn mặt lạnh lùng, đặc biệt là trong các cuộc họp. Chuyện thể hiện cảm xúc như ôm vai, bá cổ không bao giờ xuất hiện ở nơi làm việc của họ. Họ nói chuyện với âm điệu thấp, chừng mực và một khi muốn chú ý tới người đối diện, người ta thường nhắm mắt chứ không phải vì chán nản như nhiều người nhầm
Hãy luyện cho mình phong cách làm việc giống như họ, thời gian đầu có thể khiến bạn cảm thấy không được thoải mái, nhưng khi đã quen sẽ thấy nó không hề khắt khe như bạn tưởng, trong khi đó chất lượng công việc sẽ được nâng lên trông thấy.
7. Không để công việc chiếm lĩnh cuộc sống riêng
Làm việc nghiêm túc là vậy, nhưng người Nhật luôn ý thức được tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi, thư giãn. Sau những giờ căng thẳng họ sẵn sàng kéo nhau đến những điểm vui chơi, giải trí và chơi hết mình, không để những bực bội trong công việc xen vào cuộc vui.
Đây là một điểm mà không phải ai cũng làm được. Thường nếu công việc áp lực hoặc gặp chuyện gì khiến bực tức trong công việc chúng ta sẽ không thể vui vẻ được ngược lại đầu óc luôn căng như dây đàn. Điều này quả thật không nên, cho dù công việc có bận rộn tới đâu, mệt mỏi tới đâu cũng hãy dành cho mình những khoảng thời gian riêng, đừng để công việc chiếm lĩnh cuộc sống riêng của bạn
8. Luôn là “chúng tôi” thay vì “tôi”
Người Nhật luôn tôn trọng những quyết định của cả tập thể, họ không bao giờ áp đặt suy nghĩ cá nhân vào trong công việc. Đây là một cách làm việc khoa học và mang đến thành công cho họ.
Đối với chúng ta cũng vậy, hãy luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết nếu muốn doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và pháp triển. Bởi khi quá chú tâm đến lợi ích cá nhân chắc chắn bạn sẽ phải luôn nghĩ cách làm thế nào để khẳng định mình, khi đó vô tình quên đi lợi ích chung của doanh nghiệp, hãy biết cách tạo nên sự hài hòa giữa hai mối quan hệ này.
Nguồn: Sưu tầm

MỈM CƯỜI VÀ TIN VÀO CHÍNH MÌNH

MỈM CƯỜI VÀ TIN VÀO CHÍNH MÌNH


Câu chuyện thứ nhất  ...
 Một anh thanh niên thỉnh giáo thiền sư: “Đại sư, có người nói con là thiên tài, cũng có người mắng chửi con là đồ ngốc, còn ngài thì thấy thế nào?”.
“Cậu nhìn nhận bản thân mình như thế nào?”, vị thiền sư hỏi lại, anh thanh niên nhất thời không biết trả lời thế nào.
“Ví như một cân gạo, trong con mắt của người phụ nữ nấu bếp thì là mấy chén cơm; trong mắt của thợ làm bánh thì là mấy chiếc bánh nướng; trong con mắt của người nấu rượu thì lại thành một vò rượu.
Nhưng gạo vẫn là gạo. Cũng như vậy, cậu vẫn là chính bản thân cậu, có triển vọng thế nào là được quyết định bởi việc cậu nhìn nhận bản thân như thế nào”.
Chàng thanh niên trong phút chốc đã sáng tỏ thông suốt & mỉm cười thỏa mãn
Câu chuyện thứ hai  ...
Chàng trai trẻ hỏi bậc trí giả: “Làm thế nào mới có thể trở thành một người vui vẻ, cũng mang đến niềm vui cho người khác?”.
Trí giả cười đáp: “Có bốn loại cảnh giới, cậu có thể lĩnh ngộ điều tuyệt vời trong đó.
Trước tiên, hãy ‘xem bản thân mình là người khác’, đây là ‘vô ngã’. Khi đấy cậu sẽ quan sát được cảm xúc của mình và kiểm soát được nó.
Kế đến là hãy ‘xem người khác thành bản thân mình’, đây là ‘từ bi’. Khi đó cậu sẽ mở rộng tấm lòng của mình để đón nhận niềm vui khi giúp người khác, bất kể việc họ có tri ân mình hay không.
Sau đó nữa, cần phải ‘xem người khác thành người khác’, đây là ‘trí huệ’. Khi đó cậu có thể tự tin hỏi ý kiến tất cả mọi người, nhưng chỉ quyết định bởi chính mình.
Cuối cùng, hãy ‘xem bản thân là chính bản thân mình’, đây là ‘tự tại’”. Cậu sẽ biết cách thường xuyên tận hưởng niềm vui khi trân trọng chính bản thân mình.
Chàng thanh niên mỉm cười, dù cậu không dám chắc mình thực sự hiểu hết ý nghĩa trong lời nói của vị trí giả, nhưng một phần cũng đủ giúp cậu cảm thấy sáng rõ...