BÀI 2 CHỌN BẠN LÀM ĂN

Người ta nói “đàn ông đi biển có đôi”, vì tự mình thì chỉ dừng ở mức độ đi câu cá, còn muốn giăng lưới đánh mẻ cá to, phải hợp lực cùng nhau.

Điều kiện cần của hùn hạp là SỰ HÀO SẢNG của người rủ. Điều kiện đủ là KỶ LUẬT CỦA MỖI CÁ NHÂN người góp vốn. Kỷ luật này phải là bản chất, hoặc phải được đào tạo để trở thành thói quen.

Nhóm tình nguyện sau 3 tuần bán cà chua, 30/60 bạn phải rời nhóm. Có những cam kết ban đầu các bạn bỏ qua. Đi trễ. Về sớm. Xuề xòa cho qua sai sót. Báo cáo đến hạn không có. Giao việc quên làm… Các bạn ấy nói dượng không biết tụi con vất vả như thế nào, chiều thứ 6 tan sở là đón xe lên Đà Lạt, mua cà chua xong, sáng thứ 7 ngồi phân loại đến khuya, rồi chủ nhật đứng bán cả ngày, kiếm được bi nhiêu tiền là gửi hết vào quỹ “bạn trẻ khởi nghiệp” hay “áo ấm mùa đông”. Tony đánh giá các bạn ở yếu tố nhiệt tình, tốt bụng, chăm chỉ, hào sảng…nhưng đấy chỉ là ĐIỀU KIỆN CẦN. ĐIỀU KIỆN ĐỦ là tính kỷ luật thì không có, nên trước sau gì cũng tan rã nhóm, giải tán trước cho rồi. Còn 30 đứa thì đào tạo 30 đứa. Hoặc không làm cũng được, làm thì phải đàng hoàng. Ông Lý Quang Diệu nói “you cannot reach your dream or goal without discipline”. Discipline là tính kỷ luật, nếu không có nó, dream (giấc mơ) hay goal (mục tiêu cuối cùng) sẽ không bao giờ đạt được.

Nước Đức tạo nên chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc là vì người Đức được rèn luyện tính kỷ luật từ tấm bé. Người Nhật tạo nên huyền thoại Á Châu cũng vì tính kỷ luật khủng khiếp của mình. Người Hàn tạo nên kỳ tích cũng vì tính kỷ luật đôi lúc hơi cực đoan của họ. Doanh nhân nào thành đạt cũng có cái tính tuyệt vời đó. Bạn thử hẹn ăn trưa với Mr Jack Ma của Alibaba hay Mr Warren Buffett, hẹn 11h45 là đúng 11h45. Không có chuyện tiệc cưới mời 6h thì 7h15 mới múa hát và đãi ăn lúc 7h45.

Nếu thấy người không có tính kỷ luật, xuề xòa…thì chỉ cà phê cà pháo, tuyệt đối không hợp tác. Ở miền Tây Nam Bộ, dân ở đây có tính hào sảng nên khi mới mở ra làm ăn, doanh nghiệp nào cũng phát triển ầm ầm. Nhưng đến quy mô cỡ vài ngàn công nhân, thì bắt đầu lộn xộn trong quản lý. Có nhà máy chế biến cá basa nọ, cách đây 4 năm Tony đến mua cá, thấy công nhân đi vệ sinh xong vô không rửa tay, quản đốc thấy nhưng bỏ qua. Rồi quản đốc thì vừa chỉ đạo sản xuất vừa quẹt quẹt smartphone. Ông bảo vệ thì ngủ gục, bấm còi miết mới ra mở cửa cổng, đầu tóc rồi bù. Trong phòng thì giám đốc đang cợt nhã với một nữ thực tập sinh, trêu đùa quá trớn. Nhân viên thì vừa đọc tin tức online vừa làm hợp đồng, nên ngôn ngữ hợp đồng ngoại thương mà cứ như nói chuyện showbiz. Khi họp xong, Tony rủ đi ăn trưa, ông giám đốc gọi miết thì anh tài xế mới xuất hiện, vì anh đang trong phòng riêng đánh bài ăn tiền với các tài xế khác. Tony nói sao anh để vậy thì anh cười khà khà, nói kệ, anh em cả. Bữa nào bốn anh hội đồng quản trụy có mặt ở nhà máy, thì phòng giám đốc sẽ được đóng kín, các anh sẽ quánh bài tiến lên. Bốn người là đủ tay bài. Còn nếu chỉ có 2 anh, thì sẽ quánh cờ tướng, mỗi ván cả chục triệu.

Tony thấy doanh nghiệp vầy thì không ổn. Và đúng 4 năm sau thì nhà máy này rao bán. Vì đơn hàng xuất khẩu nào cũng bị trả lại hoặc tiêu hủy, lúc thì nhiễm vi sinh, lúc thì rơi cây kim trong bịch cá, xuất qua kia bị máy dò kim loại phát hiện, lúc thì cháy nổ do công nhân bất cẩn…Lỗ triền miên. Bữa họp cổ đông để bán nhà máy, trong 4 anh sáng lập viên, người đến muộn 15 phút, người đến muộn 2 tiếng, quýnh quáng bước vào phòng họp, gãi tai nói các lý do vô cùng quen thuộc như kẹt xe, lốp hỏng, đau bụng đột xuất, đưa mẹ đi bơi,…

Trên đường về lại Sài Gòn, anh S, đại diện công ty tài chính, giờ là cổ đông chính của nhà máy này, hỏi Tony chứ em biết vì sao họ rất giỏi, rất tài năng, nhưng cuối cùng phải bán nhà máy không. Vì tính kỷ luật là thứ DUY NHẤT họ thiếu. Họ chỉ có thể ĐẺ mà không thể NUÔI. Anh S nói anh sẽ không giữ ban giám đốc cũ, vì sợ là sự vô kỷ luật, sự xuề xòa của họ ảnh hưởng đến cả công ty, ai cũng bắt chước thì chết.

Nên các bạn trẻ, muốn có sự nghiệp, phải rèn tính kỷ luật cho CÁ NHÂN mình. Cái này đơn giản chỉ là sự RÈN LUYỆN. Quyết tâm 11h đêm ngủ là 11h đêm tắt đèn tắt máy tính đi ngủ. Đúng 5h sáng thức dậy là đúng 5h, vặn đồng hồ reng reng, bật dậy như lò xo. Tập thể dục là tập thể dục. Mệt cũng tập, trời lạnh cỡ nào cũng tập. Đến công sở trường học phải tuyệt đối đúng giờ, 8h học là 8h mở tập ra học. Giờ ăn là ăn, chơi là chơi, làm là làm. Ngồi cà phê với bạn bè là nói chuyện, tắt máy, không vừa nói chuyện vừa gián đoạn vì facebook hay tin nhắn. Kỷ luật khủng khiếp cho cá nhân mình, không nuông chiều cái lười, cái xuề xòa, cái “thôi kệ”. Và bạn bè cũng vậy, hạn chế chơi với thể loại vô kỷ luật, vì sẽ bị lây nhiễm. Khi học hành, chọn đội nhóm để làm bài tập chẳng hạn, chỉ chọn người có kỷ luật, không CẢ NỂ, mình cả nể là mình khổ. Đặc biệt trong làm ăn, người rủ mình mà kém kỷ luật, thì thôi. Vì hùn với họ, mình có cố gắng làm đến đâu đi nữa, cuối cùng cũng dẹp tiệm.

Bốn anh sáng lập viên nhà máy thủy sản kia, bán xong có chút tiền, rượu chè suốt. Rồi bất đắc chí, tới giờ khởi nghiệp lại vẫn chưa được, đành chạy xe ôm kiếm sống. Cứ chở khách đi ngang thì chỉ trỏ nói hồi xưa nhà máy này của tụi anh nè. Hằng ngày, 4 anh tụ tập với nhau ở quán cà phê, vừa ngồi chờ khách vừa quánh bài, ván giờ chỉ còn mười ngàn hai chục.

Nhưng cả bốn đều rất vui. Vì lúc nào cũng đủ tay bài. Enough hands to play cards. Always.

BÀI 1 CHỌN BẠN LÀM ĂN



Chắc các bạn từng đọc bài “Hùn hạp làm ăn”, cứ 3 anh A,B,C hợp tác sau vài năm, phần lớn tan vỡ không nhìn mặt nhau, chỉ còn 1 tỷ lệ nhỏ là thành công. Các bạn trẻ thấy ở ngoài xã hội có quá nhiều trường hợp như vậy nên sợ, thôi tự làm một mình. Nhưng nếu tự làm 1 mình thì sao đủ lực. Vốn cùng cần hùn. Sức cần hùn. Trí cần hùn. Chứ 1 mình thì không đi xa được. Vậy ai có thể chọn để hùn đây?


Trong tiếng Việt, hùn hạp là 1 từ hay. Hạp mới hùn. Nhưng hạp là 1 tính từ thay đổi theo thời gian, nay hạp, mai hết. Hết hạp thì cãi nhau. Nhiều bạn học, hồi đi học thấy hạp nhau quá, nên sau khi tốt nghiệp thì rủ nhau làm ăn. Vài ba năm tan vỡ, các buổi họp lớp từ đó không đầy đủ nữa.

Các bạn còn nhớ chuyện Tony giải tán nhóm kinh doanh chứ? Vì nhiều bạn trong đó chưa chi đã đòi chia lãi. Người này đòi phần hơn người kia. Như vậy, việc “CHỈ NGHĨ ĐẾN LỢI ÍCH CÁ NHÂN” là điều kiện đầu tiên để mình nhận ra người không nên hùn hạp. Kiểu người tiểu nông, “đèn nhà ai nấy rạng, gió chiều nào che chiều ấy” thì cà phê cà pháo cho vui, TUYỆT ĐỐI không hợp tác làm ăn.

Đặc trưng của nhóm này là sẵn sàng xé rào để được việc. Nếu kẹt xe, họ sẵn sàng chạy trên lề để nhanh hơn người khác. Xếp hàng, sẵn sàng chen ngang để mình được phục vụ nhanh hơn. Cái gì của chung họ cũng tha về cho gia đình họ, bất chấp đạp đổ cổng trường để con họ có 1 suất học tốt hay giật đồ cúng trên bàn thờ đức thánh Trần để có “lộc làm ăn”, hay đem hết hoa ở Bờ Hồ về nhà. Cứ miễn phí là họ mò đến, cái gì tốn tiền tốn công thì họ biến mất. Cứ quyền lợi là tranh giành còn nghĩa vụ thì “tôi không ngu”. Hợp tác với người này, tan vỡ là SỰ HIỂN NHIÊN. Nên trong hội đồng quản trị có thể loại này, thì giải tán cho xong, hoặc mình rút lui thật sớm.

Vậy yếu tố đầu tiên để nhận lời hùn hạp làm ăn là sự HÀO SẢNG của người rủ. Hào sảng là sự cho đi không toan tính. Hào sảng là sự chịu chơi, chơi đẹp mà không vì mục đích sĩ diện (có một số người cũng giả vờ hào sảng nhưng cốt là để lấy được sự nể trọng của người khác). Các bạn trong đội tình nguyện là một dạng người hào sảng. Vì các bạn sẵn sàng thức nguyên đêm thứ 7 để chuẩn bị chủ nhật bán hàng, tiền lãi dành mua áo ấm cho em nhỏ vùng cao chẳng hạn, thì đây là người có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì người khác. Nên các bạn có thể làm ăn với nhau. Lưu ý chữ CÓ THỂ, vì còn thiếu 1 ĐK nữa là ĐK đủ, sẽ nói ở bài sau.

Còn với ai suy nghĩ “có điên mới làm cho thằng khác ăn”, thì phải tránh thật xa. Họ không nghĩ về người khác, không nghĩ cho người khác, thì họ sẽ tư lợi khi không ai kiểm soát. Họ sẽ vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông. Họ sẽ quay bài khi không có giám thị. Họ sẽ đút túi 1 quả ớt khi chị bán rau mãi đếm tiền. Họ sẽ nói dối ngay để được lợi cho mình. Họ sẽ lấy tiền công ty cho chi tiêu cá nhân. Công ty cấp cho họ 1 số ĐT để liên lạc công việc, họ dùng để gọi việc cá nhân, dù họ có 1 số ĐT riêng nữa. Việc này không vặt vãnh tí nào, nó thể hiện cái nhập nhèm của mấy đứa tào lao bí đao. Công ty nào có thành phần đó trong hội đồng sáng lập, công ty đó sẽ đóng cửa, dù sớm hay muộn.

VĂN HÓA KINH DOANH NGƯỜI VIỆT ?

Một câu chuyện hài hước, châm biếm nhưng nó "có thật" trong suy nghĩ và văn hóa kinh doanh của người Việt Một câu chuyện hài hước, châm biếm nhưng nó "có thật" trong suy nghĩ và văn hóa kinh doanh của người Việt. GNA xin trích đăng:
"Chuyện Ngã tư...

Có 1 chàng Tây đi lang thang đến một ngã tư đường. Anh ta dòm quanh thấy trông vắng quá bèn cắm dùi mở 1 cây xăng. Xe cộ qua lại ghé vào đổ xăng ủng hộ.
Một anh Tây khác ghé đổ xăng thấy chỗ này cũng được nên anh ta qua bên kia đường mở một cái Garage sửa xe để phục vụ những người ghé vào đổ xăng.

Thế rồi 1 anh Trung Quốc đi ngang thấy vậy bèn qua bên kia đường mở 1 cái nhà hàng phục vụ ăn uống. Một anh khác đi ngang qua...thấy ngã 4 đường có quán ăn, cây xăng, gara có vẻ sầm uất, thế là anh ta qua góc còn lại mở 1 cái Hotel.

Chẳng mấy chốc, ngã tư đường sầm uất hẳn lên...rồi mọi người đến mở thêm tiệm hoa, tiệm thuốc, tiệm cắt tóc v.v....Khu vực trở thành 1 trung tâm thương mại đông đúc. Bà con sống hạnh phúc với nhau.

Có 1 anh Việt Nam đi lang thang tới một ngã tư đường. Anh ta dòm quanh thấy trống vắng quá bèn cắm dùi mở 1 cây xăng. Xe cộ qua lại ghé vào đổ xăng ủng hộ.

Một ngày kia, có 1 anh Việt Nam đi ngang thấy có vẻ đươc bèn qua bên kia đường mở 1 cây xăng giống y chang rồi bán rẻ hơn 1 chút.

Rồi 1 anh Việt Nam thứ 3 đi ngang, thấy 2 thằng kia làm được bèn chạy qua góc kia mở cây xăng thứ 3, giảm giá thêm chút nữa để cạnh tranh... đến đây thì chắc bạn biết rằng chẳng mấy chốc góc còn lại có thêm anh Việt Nam thứ 4 mở cây xăng thứ 4 và lại giảm giá bán.

Anh thứ 1 chưa kịp thu hồi vốn mà cũng không thể giảm giá nữa vì giá giảm 4 lần lỗ rồi... nên anh ta buộc phải pha tạp chất vô xăng để mà bán kiếm sống.

Anh thứ 2 thấy anh 1 pha tạp chất nên trương cái băng rôn lên bảo rằng "Tiệm số 2 mới là cây xăng Gốc...chính hiệu"...

Anh thứ 3 đứng bên kia đường xỉa xói "Mày căng băng rôn bảo mày chính hiệu, mày là xăng gốc...thế khác nào mà bảo tao bán đồ dỏm à?"...Thế là anh số 3 vác hàng qua đánh lộn với anh số 2.

Anh số 4 thấy thế móc Iphone ra quay phim lại rồi post lên mạng ghi Status "Haizz...làm ăn bây giờ sao bất chính quá...toàn côn đồ và lừa gạt".

Cư dân mạng share rầm rầm thương cảm anh số 4... báo mạng ăn cắp hình anh số 4 về giật tít " Giang hồ đại chiến giành bảo kê ngành xăng dầu"....vô tình tới tai một sếp Công An...

Sếp công an thấy cái băng rôn của anh số 2 mới giật mình "Hèn gì chiếc Masda3s người ta cho mình đổ xăng xong thì không chạy nữa....thì ra thằng số 1 nó pha tạp chất"... thế là cho người xuống kiểm tra.

Cán bộ xuống kiểm tra anh số 1...anh số 1 chửi bới không cho kiểm tra. Móc Iphone ra quay lại đoàn kiểm tra và hù "Mấy anh sao chỉ kiểm tra 1 mình tui?"

Đoàn Kiểm tra sợ bi đăng lên mạng nên đành làm đúng chức năng...đè 3 thăng kia ra thanh tra luôn.
Té ra cả 4 anh ai cũng pha tạp chất hoặc bơm không đúng lượng hoặc gắn chip ăn gian. Thế là đóng cửa hết 4 cây xăng. 4 anh phá sản...lại đi lang thang.

Góc đường bây giờ lại trống vắng với 4 cây xăng bỏ hoang tàn phế theo thời gian. Một thời gian sau, người ta thấy ở ngã tư ấy xuất hiện 4 anh đánh giày Việt Nam, và hằng ngày các anh này vẫn đánh nhau để dành khách..."

(Nguồn: Sưu tầm từ FB Phan Thanh Hùng)

ÁP DỤNG THỜI GIAN LÀM VIỆC LINH HOẠT
















Nếu thực sự quan tâm tới nhân sự và quan tâm tới quản trị thì hẳn đâu đó ta đã tiếp xúc đến thuật ngữ MBO (quản trị theo mục tiêu) và chính sách làm việc linh hoạt. Các nhân viên trẻ thì ai cũng thích phải làm việc linh hoạt, làm ở nhà cũng được. Ai cũng chắc như đinh đóng cột là sẽ hoàn thành tốt công việc. Rồi thì một số công ty cũng áp dụng như thế. Ví dụ như FPT chả hạn. Họ có thể đến lúc 9h cũng được miễn sao làm được việc.

Đúng là MBO và làm việc linh hoạt rất có ích. Nhưng thực tế nó chỉ có ích đối với một số trường hợp và công ty mà thôi. Tôi để ý thấy và đã tiếp xúc với ít nhất 1 giám đốc xác nhận rằng MBO chưa chắc đã tốt. Nhất là với SALE. Anh ý kể, trước khi gặp tôi 1 thời gian đã từng áp dụng chính sách làm việc linh hoạt đối với đội sale. Không cần biết sale làm gì và đi đâu chỉ cần biết là cuối tháng mang về doanh số. Không thì nghỉ làm. Cứ tưởng áp dụng thế là ngon. Ai ngờ cuối tháng số lượng người cứ rụng dần. Và sau đó anh ý quyết định thay đổi. Các sale phải điểm danh trước và sau khi làm vì đơn giản là muốn đi đầu thì đi nhưng phải xuất phát từ công ty. Áp chỉ số công việc từng ngày như gọi bao nhiêu cuộc điện thoại, gặp bao nhiêu khách hàng . Việc áp dụng chế độ quản lý hành chính đó tuy khắt khe nhưng anh giám đốc lại thấy nó hiệu quả hơn. Ít nhất thì anh ý biết nhân viên của anh ý đang làm gì và làm như thế nào.


Vậy đó, đôi khi tác động ngược của MBO và làm việc linh hoạt chính là làm giảm hiệu quả làm việc. Nguyên do:

1. Cá nhân thường không thể tự kiểm soát được thời gian làm việc: Bình thường khi đến công ty, nhân viên thường mất 30 phút - 1 tiếng đồng hồ để khởi động trước khi làm việc. Chính sách làm việc linh hoạt sẽ tạo điều kiện cho nhân viên ỳ hơn khi cố ngủ thêm 1 chú, cố làm việc này việc kia thêm 1 tý.

2. Không có môi trường kích thích làm việc: Khi làm việc linh hoạt thì người ta tự cho mình cái quyền thích làm việc ở đâu thì làm và ở đó họ thích làm gì cũng được không ai kiểm soát. Điều đó đồng nghĩa họ có thể bị mất tập trung và nhiệm vụ chính. Thay vào đó họ sẽ làm những công việc khác, thú vui khác.

3. Không kiểm soát được tiến độ công việc: Do không thể tự kiểm soát được thời gian và không có môi trường kích thích làm viện nên nhân viên thường dẫn tới việc không kiểm soát được tiến độ làm việc. Sếp không biết được anh em làm tới đâu để thúc. Và rất khỏ để kiểm tra khi người đó không ở công ty và việc thì nhiều. Khi sếp nhớ ra thì lại không hỏi được.

Vậy đó, với chủ đề này có lẽ chúng ta sẽ còn phải giải quyết khá nhiều câu hỏi như:
Câu hỏi 1:
- Nếu nói vậy thì quy mô công ty như thế nào thì dùng MBO và chế độ làm việc linh hoạt được?
- Vị trí nào nên áp dụng chính sách đó và vị trí nào thì không ?

Câu hỏi 2 dễ trả lời hơn :
Áp dụng giờ hành chính: nhân viên ngân hàng, nhân viên làm ở bộ phận hành chính và nhân sự, nhân viên lễ tân, kế toán, kiểm toán, trợ lý kinh doanh... Công việc hành chính văn phòng thường xoay quanh việc tổ chức công tác văn thư lưu trữ, quản lý con dấu và các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc vận hành của công ty

Áp dụng linh hoạt thời gian: phóng viên, biên tập viên website, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên thiết kế...


Câu hỏi 1 thì tôi đúng là cần thời gian để nghiên cứu thêm. Trường hợp thực tế thì tôi mới chỉ thấy có mỗi FPT. Và họ vẫn phát triển tốt chứng tỏ chính sách đó ok.

Cuối cùng , theo tôi nếu có áp dụng thì phải áp dụng phối hợp giữa kiểm soát hành chính, chế độ báo cáo và MBO. Tiếc là rất khó để có một bộ 3 hoàn hảo như thế. Giả sử khi áp dụng chế độ thời gian làm việc linh hoạt như sau: nhân viên có thể đến công ty + - 1 tiếng, tức là đến sau 7h và trước 9h. Sau đó nhân viên phải trả lại công ty -. + 1 tiếng tức là về trong khoảng thời gian từ 5h - 7h tối. Chính sách này có vẻ sẽ được nhiều người ủng hộ. Nhưng phân tích sâu hơn sẽ thấy:

Nhân viên 9h đến công ty, + 30 - 60 phút chuẩn bị làm việc tức là 9h30 - 10h mới làm việc : lúc đó là gần trưa. Ngồi thêm 1 tí là ăn trưa. Đến tầm chiều 5h là các nơi tan sở, nhân viên vẫn ở lại đến 7h. Vậy từ 5h - 7h tối thì nhân viên làm gì ? Tất nhiên là làm hết công việc của mình. Nhưng thực tế là họ có làm hết công việc hay để lại hôm sau làm là 1 vấn đề. Không ai kiểm soát cái đó. Rất khó khăn.

Như thế là cần thêm cái MBO. Mà lúc này kết quả công việc lại phải giao đến từng ngày. Nhân sự và các sếp sẽ phải cân đo đong đếm xem mỗi người mỗi ngày phải làm bao nhiêu là đủ. Thế cũng được, ít nhất thì nhân sự cũng có việc để làm. 🙂 Còn sếp thì phải đau đầu vì suốt ngày phải nghĩ giao bao nhiêu cho nhân viên để nó làm hết trong vòng 8h đây nhỉ. Công ty có nhiều việc thì quả là ok. Công ty mà ít việc khổ thân sếp.

Kinhcan

MIỆNG ĐỂ NƠI BÀN PHÍM


Thời đại sinh ra một nhóm người như vậy, phát ngôn chỉ - bởi - những - ngón - tay, những từ ngữ có khi chẳng cần phải dùng đến não, huống hồ là tim và tâm! Thế nên không có gì lạ nếu nó bẩn thỉu, suy diễn, cay nghiệt, thù hằn, dối trá..
Với những người như thế, thôi, đừng có nói nhiều, vì tai họ chắc cũng đặt không đúng chỗ!
Còn với bạn bè tôi, xin được tặng một đoạn trích sau:
Cổ nhân nói: ‘LỜI DO TÂM SINH‘, một người có tâm tính như thế nào thường sẽ nói ra những lời như thế. Người có lòng bao dung lời nói ra sẽ nhẹ nhàng hòa ái, người trong tâm đầy oán hận, lời nói ra sẽ hung hăng, cay nghiệt. Người khiêm nhường lời nói ra sẽ chừng mực nhã nhặn. Người tự cao lời nói thường khoa trương phách lối. Người hiền lành nói ít nhưng chất phác, chân thành... 
Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì nói năng từ tốn. Trong cuộc sống nên lưu ý những điều sau:

1. Việc gấp, từ từ nói. 

Gặp chuyện gấp cũng bình tĩnh suy nghĩ một chút, sau đó từ từ nói rõ ngọn ngành, sẽ khiến cho người nghe cảm thấy ổn định, từ đó tăng độ tin cậy của mọi người đối với bạn.

2. Việc nhỏ nói hài hước. 

Đặc biệt là một vài lời nhắc nhở có thiện ý, bạn nên dùng những câu nói đùa hài hước, sẽ khiến cho người không cảm thấy cứng nhắc, nặng nề. Nói đùa một chút khiến chuyện to thành chuyện nhỏ, họ không những vui vẻ chấp nhận lời nhắc nhở của bạn mà còn tăng thêm thiện chí với bạn.

3. Việc chưa hiểu rõ, hãy nói một cách cẩn thận. Đối với những việc bạn chưa nắm rõ, hãy cân nhắc để diễn đạt một cách cẩn thận, sẽ khiến cho người nghe cảm thấy rằng bạn là người đáng tin cậy.

4. Việc chưa xảy ra, không nên nói linh tinh. 

Mọi người ghét nhất ăn nói hàm hồ, nếu bạn chưa bao giờ phỏng đoán một cách tùy tiện hoặc nói những chuyện chưa xảy ra, bạn sẽ khiến cho mọi người cảm thấy rằng bạn là người trưởng thành, có tu dưỡng, cũng là một người làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm.

5. Việc chưa làm, đừng nói lung tung. 

Tục ngữ có câu “không có khoan kim cương, thì đừng mong ôm nghề đồ gốm”, bạn không nên hứa làm một việc gì đó mà bạn không chắc có thể làm được, sẽ khiến cho người nghe cảm thấy bạn là một người “nói là tin, làm là được”, và họ sẽ rất tin tưởng bạn.

6. Không nên nói những chuyện làm tổn thương người khác. 

Không được tùy tiện dùng lời nói làm tổn thương người khác đặc biệt là giữa những người thân. Như vậy mọi người sẽ cảm thấy bạn là người lương thiện, giúp cho việc duy trì và gia tăng tình cảm.

7. Đối với những việc đau lòng, bạn không nên gặp ai cũng nói. 

Khi ai đó bị tổn thương trong lòng, đều muốn thổ lộ với người khác, nhưng nếu cứ gặp ai bạn đều nói, sẽ khiến người nghe phải chịu một áp lực lớn, rất dễ sinh nghi ngờ và xa lánh bạn. Đồng thời, bạn sẽ để lại ấn tượng muốn trút bỏ đau khổ của bạn lên người khác.

8. Những việc của người khác thì nên cẩn thận trong lời nói. 

Giữa con người với con người cần phải có một khoảng cách an toàn, không nên bình luận hay nói ra những chuyện của người khác, sẽ mang lại cảm giác an toàn cho những người mà bạn giao tiếp.

9. Việc của bản thân, lắng nghe người khác nói như thế nào. 

Bạn nên lắng nghe cách nhìn của người khác khi nói về mình, điều đó có thể để lại ấn tượng khiêm tốn cho người khác, đồng thời biểu hiện rằng mình là một con người thấu tình đạt lý.

10. Chuyện của con cái, cần nói rõ ràng. 

Đặc biệt là khi con bạn còn ở thời kỳ thanh thiếu niên, chúng rất dễ bị kích động, bạn hãy dùng thái độ ôn hòa, vừa kiên định để nói với chúng một cách rõ ràng, điều đó có thể khiến cho con bạn có tình cảm tốt đối với bạn, coi bạn như một người bạn, đồng thời điều đó cũng có tác dụng thuyết phục.
NÓI chỉ là KHẢ NĂNG, nhưng BIẾT những gì KHÔNG NÊN NÓI đó chính là TRÍ HUỆ.
- sưu tầm -

CHUYỆN CỦA CỦI KHÔ


Ngày cửa ngày xưa, ở một khu rừng nơi rất xa, có một cành CỦI KHÔ. Ngày trước, Củi khô có một thân hình vô cùng đẹp đẽ. Nó thuộc một dòng tộc cây cao quý. Cụ của Củi khô là Già rừng, đã mấy trăm tuổi và được các dòng cây khác rất tôn kính. Củi khô sinh ra và lớn lên trong đặc ân đó nên nó rất hãnh diện. Nó ở cao hơn hầu như tất cả các bạn đồng lứa với nó. Nhờ dòng tộc vững mạnh, nó cũng được tiếp dưỡng những dòng chất, dòng nước mát lành nhất từ dưới đất. Và cũng nhờ dòng tộc cao lớn, nó cũng đón nhận được những giọt nắng và ngọn gió trong lành nhất. Củi khô được trang hoàng mình bằng những chiếc lá xanh to bản và những đóa hoa to, những quả trĩu cành. Củi khô nhớ lại những ngày tháng hạnh phúc ấy, những ngày tháng nó sẵn sàng cho đi hết nguồn năng lượng trong bản thân mình để hoa thêm ngát hương và quả thêm căng mọng.
Cũng chính sự cho đi ấy, và cũng vì sự màu mỡ của nó mà nó bị một loài sâu đục thân. Đầu tiên nó có vẻ hụt hẫng và lo lắng, tại sao mình lại đang ngày một khô héo, những chiếc lá xanh thẫm to bản bắt đầu chuyển sang đỏ vàng và lìa cành. Rồi đến lúc nó trơ chọi, chỉ còn thân xơ xác.
- Kìa, ở trên kia có một cành Củi khô to lắm. 
- Đâu anh? Cậu nhỏ hơn hỏi cậu lớn.
- Đó. Cành này vừa to, gỗ vừa chắc, lửa chắc chắn sẽ đượm lắm.
Lần đầu tiên, Củi khô được nghe thấy từ LỬA. Mà sao LỬA lại có liên quan tới mình nhỉ. 
- Mình trèo lên lấy về đi anh.
- Chắc phải đợi sang mùa BÃO em ạ. Cây to quá và cành cũng cao quá không trèo được. Phải đợi cơn Bão làm nó tự gãy xuống vậy.
- Vâng anh. Lúc đó anh em mình nhớ quay lại đây để đem nó về nhé. Lửa sẽ cháy rất to.
Củi khô lại giật mình về từ Lửa. Lửa là gì và nó có liên quan gì tới mình. Nhưng nó sẽ phải đợi tới tận mùa Bão cơ.
Mùa đông năm nay dài hơn rất nhiều vì Củi khô không còn tán lá che gió, cũng như nó yếu lắm rồi nên không đủ sức ăn dinh dưỡng. Nhưng không một phút giây nào nó không nghĩ tới Lửa. Mùa xuân nhanh chóng qua đi. Trong khi cành cây nào cũng ra xanh, chỉ có mình Củi khô không ra lá. Nhưng nó không buồn, vì nó đang mong mùa Bão tới để được BIẾT Lửa là gì, nó với Lửa có quan hệ ra sao.
Rồi mùa Bão cũng tới. Những cơn gió tạt mạnh qua cánh rừng, nghiêng rạp những tán lá. Củi khô vẫn vươn mình.
- Này anh Củi khô, anh không tránh đi là tôi sẽ làm anh rớt xuống đấy.
- Không sao, tôi mong chờ ngày này lâu lắm rồi .
- Vậy ư?
- Đúng vậy. Tôi muốn BIẾT Lửa là gì.
- Được rồi. Tôi sẽ giúp anh.
Cơn Bão giật mạnh và rắc, Củi khô thấy mình từ từ rơi xuống mặt đất. Một cảm giác thật dễ chịu, trong sự hân hoan, đón chờ.
- Anh ơi. Cành Củi khô đó đây rồi. 
- Uh nhỉ. Ba sẽ rất thích đây vì Lửa của nó sẽ cháy rất to.
Củi khô lại nghe thấy từ Lửa và lại háo hức vô cùng xen lẫn sự băn khoăn khó tả.
Hai anh em cuối cùng cũng kéo được Củi khô về đến một ngôi nhà. Ở đó có một cái lán chứa rất nhiều những cành Củi khô như nó. Hai anh em xếp gọn nó lên giá và líu lo bước vào nhà khoe với Ba chúng. 
- Này anh, anh từ đâu tới thế? Trông anh to như thế này sao lại bị đi làm Củi.
- À, tôi không may. Nhưng tôi đang rất vui vì tôi sắp thành Lửa.
- Lửa ư? Anh vui sao?
- Uh. Tôi thấy hai cậu bé nói Lửa của tôi sẽ to và lâu.
- Trời ơi. Anh không HIỂU gì cả. Lửa rất là nóng. Lửa có thể thiêu rụi anh và anh chẳng còn là gì cả. 
- Nóng ư? Không còn là gì ư? Tôi không biết, tôi không hiểu vì tôi đã gặp Lửa bao giờ đâu.
Nói rồi, nó cũng lo lắng và ân hận khi để Bão giúp nó lìa xuống đất. Nó lại ân hận những ngày tháng làm việc không giữ sức mình để sâu đục thân. Nó ước, nó giá như, nó khóc, nhưng cũng chẳng có nước mắt mà khóc vì nó là Củi khô mà.
- Ba ơi, cành củi khô hôm nay chúng con kiếm được đây ạ.
- Ôi chao, thật là tuyệt. Các con giỏi quá. Lửa của nó sẽ rất tuyệt đây.
Lúc đầu nó chỉ ước mình bé tí như mấy cành củi bên cạnh để ba tụi nhỏ không thấy. Nhưng khi nghe ông khen nó, nó lại thấy vững tâm hơn. Lửa là một cái gì đó theo như nó được giải thích là rất nóng, nhưng ông ấy lại khen nó sẽ là Lửa rất tuyệt. Nó nằm im, trầm ngâm về cái gọi là Nóng và cái gọi là Tuyệt đó. 
- Hôm nay mình sẽ dùng cành củi này chứ ba.
- Để vài hôm nữa con à.
- Khi mình làm lễ Tịnh hóa mình sẽ cần tới nó. Nó sẽ cho ngọn lửa tuyệt vời.
Thế là nó lại phải nằm đợi. Lại chứng kiến những tiếng la hét của các cành củi khác. Nhưng nó không sợ. Trong đầu nó, nó đang đón đợi ngọn Lửa tuyệt vời.
- Nào, hôm nay chúng ta sẽ đốt một đống lửa lớn nhé. À, cành củi của các con đây rồi. Ta sẽ đốt nó nhé. 
Hai cậu bé tiến lại đống củi, nó vươn mình để hai cậu khênh nó đi như ngày nào. 
Cái gì vậy? Nó bắt đầu CẢM thấy nóng. Đúng là nóng thật. Những ngọn Lửa bắt vào cành củi nhỏ và chúng la hét vì nóng. Củi khô cũng hơi sợ. Hóa ra là nóng thật, rồi rất nóng. Nhưng nó vẵm nghĩ đến hai từ "rất tuyệt". Nó sẽ cố gắng.
Những ngọn lửa lúc đầu bao phủ nó, sau nó nhận thấy, Lửa NHƯ LÀ chính nó. Đúng rồi. Lửa là chính nó. Nó chính là Lửa. Không còn nóng nữa. Ngọn lửa của nó là to nhất, đượm nhất và thật là tuyệt vời. Rồi nó thấy toàn thân nó sáng bừng. Ánh sáng phủ trùm khắp không gian. Một thứ ánh sáng diệu huyền mà nó chưa bao giờ được thấy. Củi khô tan ra, tan ra và hòa cùng ánh sáng.
***
Một số thông điệp truyền tải:
- đừng lãng phí quãng thời gian tươi đẹp để rồi đến khi bị bệnh thì quá muộn
- nghịch cảnh lại là một cơ hội để chúng ta giải thoát 
- tất cả phải tự mình nỗ lực chứng ngộ qua các tầng: BIẾT, HIỂU, CẢM, NHƯ LÀ
- chỉ cần biết đích đến thì hãy vững tin bước, kiên trì thực hành cuối cùng rồi cũng tới

NGƯỜI TÍNH KHÔNG BẰNG TRỜI TÍNH

Trong kiếp nhân sinh này, mỗi người đều có sự lựa chọn của mình, 8 câu chuyện rất ngắn sau có thể giúp bạn nhận ra lựa chọn nào là quý trong đời.

1. Chiếc đồng hồ ở đâu

Chiếc đồng hồ của người cha biến đâu mất tìm không thấy, làm cha rất khó chịu, lật khắp nơi cũng tìm không ra. Đợi người cha đi ra khỏi phòng, cậu con trai liền lặng lẽ vào phòng, không lâu sau thì tìm thấy. Người cha hỏi: Sao con tìm thấy vậy? Con trai trả lời: Con chỉ ngồi yên lặng một chút, không lâu sau nghe thấy tiếng tích tắc của đồng hồ ….

Chúng ta càng nôn nóng tìm kiếm, càng không tìm thấy thứ mà mình muốn, chỉ có bình tâm, mới có thể nghe thấy tiếng vọng trong tâm mình.

2. Khi nào thì được là chính mình

Khi cho đầy sữa vào một cái cốc thủy tinh, mọi người nói: đây là cốc sữa; khi cho đầy dầu vào đó, mọi người lại nói: đây là một cốc dầu. Chỉ có khi cốc trống rỗng, mọi người mới nhìn nhận nó là cái cốc.

Khi trong lòng chúng ta đong đầy học vấn, tiền tài, quyền lực thành quả và định kiến, thì không phải là bản thân chúng ta. Thường thường có được tất cả, ngược lại không thể có chính bản thân mình.

3. Ai hạnh phúc

Có hai con hổ, một con ở trong lồng sắt, một con ở ngoài thiên nhiên hoang dã. Cả hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh sống của mình không tốt, nên đều ước ao ngưỡng mộ đối phương.

Thế là chúng quyết định thay đổi thân phẩn, khi mới bắt đầu cả hai đều rất vui vẻ. Nhưng không lâu sau đó, cả hai con hổ đều bị chết; một con chết vì đói khát, một con chết vì u buồn.

Có lúc, mọi người coi thường hạnh phúc bản thân mình đang có mà chỉ chăm chăm ngưỡng mộ hạnh phúc của người khác. Kỳ thực, tất cả những điều bạn có có thể chính là điều người khác đang ngưỡng mộ. Chỉ là bạn không đủ trân trọng nó mà thôi

4. Nhân quả không sai

Có một người lính bị quân địch truy sát bất ngờ nên tháo chạy vào một hang núi. Quân địch đuối sát đằng sau gần bắt được anh ta, anh ta ở trong hang cầu nguyện để không bị quân địch phát hiện. Bỗng nhiên cánh tay bị đau như ai cắn, hóa ra đó là một con nhện, anh ta đang muốn giết con nhện đó, bỗng nhiên trong tâm nảy sinh thương cảm, liền thả con nhện ra. Không ngờ con nhện bò ra cửa hang dệt một cái mạng nhện mới hoàn chỉnh, quân địch truy sát tới cửa hang nhìn thấy một cái mạng nhện che kín, đoán là trong động không có người liền bỏ đi.

Có nhiều khi, giúp đỡ người khác cũng đồng thời là đang giúp đỡ chính mình.

5. Có bao nhiêu tiền thì mua được xe

Có một chàng trai đi mua xe, cần số tiền là 10 ngàn USD nhưng chàng trai chỉ mang có 9998 USD tiền mặt, thiếu 2 USD. Bỗng nhiên anh ta phát hiện ngoài cửa có một người ăn mày, liền qua nói với người ăn mày: “Cầu xin anh, cho tôi 2 USD nhé, tôi muốn mua xe” Người ăn mày nghe xong, hào phóng đưa cho anh chàng 4 USD và nói: “ Mua giúp tôi luôn một chiếc xe nhé.”

Nếu bạn hoàn thành tới hơn 90% nhiệm vụ, thì người khác có thể hỗ trợ giúp bạn thành công một cách nhẹ nhàng như trở bàn tay, ngược lại, nếu bạn không làm bất kể việc gì, thần tiên cũng không cứu được bạn.

6. Đun nước thế nào

Sư phụ hỏi: Nếu con phải đun sôi một ấm nước, nhóm lửa đun được một nửa thì phát hiện không đủ củi, vậy thì con phải làm như thế nào? Có đệ tử nói vậy thì phải nhanh chóng đi tìm, có người nói đi mượn, có người nói đi mua. Sư phụ lại hỏi: ‘Tại sao không đổ bớt nước trong ấm ra nhỉ?’

Vạn sự việc trên thế giới này không phải đều như ý, có thể xả bỏ thì mới có thể đắc được.

7. Người tính không bằng Trời tính

Có một người thành phố, năm 1984 vì mong muốn xuất ngoại, nên bán đi căn nhà tứ hợp viện với giá 300 nghìn tệ, rời quê hương đến Italia để đào vàng. Dầm mưa dãi nắng chịu bao vất vả, ban đêm thức học ngoại ngữ, bị cướp 7 lần bị đánh 3 lần ở khu dân nghèo. Vất vả tiết kiệm, đến nay đã tóc điểm sương mai, 30 năm rồi, cuối cùng tiết kiệm được 1 triệu ERO, (khoảng 7 triệu 450 NDT), dự định về nước để hưởng thụ vinh hoa phú quý. Vừa về nước, phát hiện ra căn nhà tứ hợp viện mà năm xưa bán đi môi giới treo giá bán 80 triệu NDT, trong chớp mắt giật mình suy sụp…

Có lẽ nhân sinh cả kiếp người ta hơn một nửa là bận rộn mù quáng… có những lúc, lựa chọn đúng còn quan trọng hơn sự chăm chỉ.

8. Nước hoa

Nước hoa trong các công ty mỹ phẩm, 95% đều là nước, chỉ có 5% là khác nhau, đó là bí quyết của từng công ty. Con người cũng như vậy, 95% cơ bản là đều như nhau, sự khác biệt là tầm quan trọng đặc biệt trong 5% kia, đó chính là những đặc biệt về phẩm chất tu dưỡng đạo đức của con người, những vui buồn đau khổ và dục vọng của con người.

Tinh dầu thơm của nước hoa phải chiết xuất 5 năm, 10 năm mới có thể cho vào làm thành nước hoa, con người cũng như vậy, phải trải qua quá trình rèn luyện trưởng thành, mới có sự thú vị độc đáo độc nhất vô nhị của bản thân.

Đại Kỷ Nguyên biên dịch